Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Phương pháp thở trong yoga


V) Thế ngồi

1) Có thể ngồi xếp bằng tròn hay ngồi trên ghế
_xếp bằng tròn : trải một cái mền (chăn) khá dày lên sàn nhà , ngồi xếp bằng tròn trên đó
_ngồi trên ghế, thòng chân xuống, nên dùng loại ghế tương tự như ghế đẩu của nước ta

2) Làm lưng thẳng ra
Đã nói về điều này trong bài :

3) Để hai bàn tay . . .
Có thể để hai bàn tay lên đùi
Có thể để hai bàn tay lên hai đầu gối
Hai cách trên đều được cả, dùng cách nào mà : a) thấy thoải mái  b) lưng vẫn thẳng
Có thể bắt ấn với hai bàn tay nếu thích và nếu biết cách bắt ấn.

Ngoài ra, có thể thở nằm _nằm thẳng lưng.


VI) Thí nghiệm : khi thở vào thì bụng phình ra

Ở đây, tôi dùng chữ ‘thở vào’ mà không dùng ‘hít vào’, để nói lên rằng khi tập thở, cũng như khi cơ thể thở tự nhiên, nên tập sao cho thở vào cùng cường độ với thở ra. ( Thường khi ta dùng chữ ‘hít vào’ thì hành động này có cường độ mạnh hơn là ‘thở vào’ )

Thở tự nhiên thì khi thở vào cơ thể tự nhiên phình bụng ra, và khi thở ra thì ngược lại

Thí nghiệm ( khi thở vào thì bụng phình ra ) :
       Nằm trên giường, duỗi thẳng chân, không chủ động thở (nghĩa là để cơ thể thở tự nhiên), để một bàn tay lên bụng. Rồi quan sát : ta sẽ thấy, khi thở vào thì bụng nhô lên, khi thở ra thì bụng xẹp xuống

Vậy thì,
       tập thở : khi thở vào thì thở đầy bụng; đây là cách thở tự nhiên


VII) Cách thức thở

Ngậm miệng lại, chỉ thở bằng mũi
1) Từ từ thở hết hơi trong ngực và bụng ra. Khi thở ra ta biết rằng ta đang thở ra.
2) Từ từ thở vào đầy bụng. Khi thở vào ta biết rằng ta đang thở vào.
3) Từ từ thở vào đầy ngực. Khi thở vào ta biết rằng ta đang thở vào.
4) Ngừng lại , không thở. Quán tưởng rằng dưỡng khí trong ngực và bụng lan tràn ra thấm vào các tế bào trong cơ thể.
Giai đoạn này kéo dài từ 2 đến 5 phút. Tùy người, có người có thể ngưng hô hấp rất lâu, có người không. Không nên gượng ép thái quá, khi cảm thấy bắt buộc phải thở, thì thở.
5) Trở lại 1)

Thở tối thiểu 6 cái
( một cái thở = 1 lần thở vào + 1 lần thở ra )


VIII) Thở cũng là thiền

Trong Kinh, Phật có dạy tập thở : Khi thở vào ta biết rằng ta đang thở vào, Khi thở ra ta biết rằng ta đang thở ra. Ngài cũng dạy , tập thở có thể đem đến quả báu và nghị lực.
Pháp thở diễn tả ở trên là một cách thở Yoga. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh vào :
_Khi thở vào ta biết rằng ta đang thở vào,
_Khi thở ra ta biết rằng ta đang thở ra.
_Quán tưởng trong khi ngưng hô hấp

Thở cũng là thiền, nếu khi tập thở, ta có được ý thức, quán tưởng như trên.
Không những thế, nếu ta có được ý thức, quán tưởng như trên và không có vọng tưởng khi đang tập, thì sẽ được lợi lạc rất nhiều về sức khỏe.
Sheetkari Prayama

Tư thế ngồi thoải mái, hai chân bắt chéo nhau; đầu, cổ, lưng thẳng nhau, hai tay dặt nhẹ nhàng lên đùi, bàn tay nọ đặt lên bàn tay kia phía trước bụng. Nhắm mắt nhẹ nhàng và tập trung ý nghĩ vào hơi thở.

Khi hít vào bụng giãn ra và co lại khi thở ra. Lưỡi cong lên để đầu lưỡi chạm nhẹ nhàng phía trong lợi của hàm trên; ngậm miệng lại để hai hàm răng chạm nhau.

Tiếp đó hít vào từ từ và thầm đếm từ 1-4; bụng nở ra. Mím môi lại, đầu cúi xuống phía trước sao cho cằm chạm vào phần trên của ngực.

Nín thở trong thời gian thầm đếm từ 1 tới 16. Tới đây từ từ ngẩng cổ lên đưa đầu trở lại vị trí ban đầu, thở ra qua hai lỗ mũi trong thời gian đếm từ 1 đến 8; bụng xẹp xuống. Làm như vậy khoảng 15-20 lần.

Sheettali Prayama

Tư thế ngồi như trên. Nhắm mắt nhẹ nhàng và tập trung ý nghĩ vào hơi thở. Khi hít vào bụng giãn ra và co lại khi thở ra. Lưỡi thè ra và cuộn sang hai bên như thể tạo ra một đường ống thông khí.

Tiếp đó hít vào từ từ (thầm đếm từ 1-4) trong khi lưỡi tiếp tục hoạt động , bụng căng lên. Ngậm miệng lại, cúi đầu xuống phía trước sao cho cằm chạm vào ngực. Giữ hơi thở (đếm từ 1 đến số 16).

Tiếp đó ngẩng cổ lên đưa đầu trở về vị trí cũ, thở ra đếm tới số 8, bụng co lại. Thở như vậy khỏang 15-20 lần.

Kag Prayama

Tư thế ngồi như trên. Nhắm mắt nhẹ nhàng và tập trung ý nghĩ vào hơi thở. Khi hít vào bụng giãn ra và co lại khi thở ra. Miệng chúm lại như thể khi huýt sáo, lưỡi ép xuống hàm dưới. Giữ nguyên tư thế này và hít vào (thầm đếm từ 1 tới 4 ).

Ngậm miệng lại, cúi đầu xuống phía trước sao cho cằm chạm vào ngực. Nín thở (đếm từ 1 đến 16).

Tiếp đó, chậm chãi ngẩng đầu lên trở về vị trí thẳng như cũ, thở ra, thầm đếm từ 1 tới 8, bụng xẹp trở lại. Thở như vậy ít nhất 15-20 làn.

Chandra Bhedi Prayama

Tư thế ngồi như trong các cách thở trên , khi hít vào bụng phồng lên và khi thở ra bụng xẹp xuống.

Tay trái giữ nguyên trước bụng hoặc đặt lên đùi sát đầu gối, tay phải giơ lên (để ba ngón giữa, ngón đeo nhẫn và ngón cái chụm đầu nhau, ngón trỏ và ngón út duỗi thẳng).

Dùng ngón cái ép chặt vào lỗ mũi phải và thở ra mạnh hết một hơi qua lỗ mũi trái, đây là nhịp thở dạo đầu. Tiếp đó hít vào qua lỗ mũi trái (đếm thầm từ 1-4); dùng cả ba ngón cái, giữa và ngón đeo nhẫn bịt cả hai lỗ mũi lại ; cúi đầu xuống phía trước sao cho cằm chạm vào ngực, nín thở trong khoảng thời gian thầm đếm từ 1 đến 16.

Sau đó từ từ ngẩng đầu trở về vị trí ban đầu; dùng ngón cái ép lỗ mũi trái và thở ra qua lỗ mũi phải, kết thúc một chu kỳ thở Chandra Bhedi Prayama. Bắt đầu chu kỳ hai lại ép lỗ mũi phải và hít vào qua lỗ mũi trái lại từ đầu. Thở khoảng từ 15 đến 20 lần như vậy.

Theo các chuyên gia Yoga, những người mới luyện thở trong 2-3 tháng đầu nên rút ngắn các giai đoạn trong một chu kỳ thở theo tỷ lệ (1-4-2), nghĩa là hít vào một nhịp, nín thở 4 nhịp và thở ra 2 nhịp. Trong những ngày đầu luyện tập nên bỏ qua giai đoạn nín hơi, hít vào thở ra theo tỷ lệ thời gian (1-2).

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo những người mắc bệnh tim hoặc hen suyễn không nên thực hành giai đoạn nín thở./.
  

alt
 

Hãy bỏ thói quen thở ngắn và nông như hằng ngày để làm quen với cách thở sâu và đều đặn. Hơi thở sẽ làm trong sạch cơ thể và bạn sẽ ngạc nhiên trước những điều kỳ lạ đến với mình.

 
      Hãy tập thở ngay cả khi đi bộ, vừa đỡ mệt, vừa có tâm trạng sảng khoái. Phương pháp rất đơn giản, bạn chỉ việc kết hợp giữa bước chân và nhịp thở, tức là khi bước một bước lên thì thở ra; bước tiếp sau đó thì hít vào. Cùng với nhịp bước chân, lặp đi lặp lại ''thở ra, hít vào - hít vào, thở ra''. 

      Nếu mỗi ngày bạn tập luyện từ 20 đến 30 phút thì sau 2 - 3 tháng, lượng serotonin- một chất được não sản xuất ra quyết định tâm trạng và khả năng tập trung của con người, sẽ tăng lên rất nhiều khiến bạn không cảm thấy mệt, khả năng tập trung cao, tính cách vững vàng và chịu áp lực tốt.

      Con người không thể điều chỉnh được nhịp đập của tim cũng như nhịp co bóp của dạ dày nhưng lại rất dễ điều chỉnh nhịp thở của mình. Patanjali, người thầy vĩ đại của môn phái Yoga ở thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, đã kết luận: "Thở, suy nghĩ và tư tưởng có mối liên hệ sâu xa. Tư tưởng bình yên nhờ sự luân phiên vào ra của việc thở sâu, điều hoà''. Bởi vậy, duy trì nhịp nín thở khi hít vào và thở ra bằng nhau như cách "thở bụng bốn thì" của các nhà dưỡng sinh, khí công và Yoga được xem là phương pháp tốt nhất.

      Khi con người thở đúng cách, hơi thở sẽ làm trong sạch cơ thể bạn. Khi thở ra, nín thở đồng nghĩa với việc đưa các độc tố ra ngoài cơ thể và trong cơ thể bạn có một khoảng trống. Độc tố N2, CO2 tích tụ ở tim, do đó khi bạn hít vào và nín thở, khí độc trong người hoà trộn vào hơi thở sau đó máu thải khí độc và đẩy chúng ta ngoài qua hơi thở.

      Tư tưởng và hơi thở liên quan chặt chẽ với nhau (chẳng hạn khi bạn giận, nhịp thở sâu và dài; khi gặp người yêu thì nhịp thở ngắn, dồn dập; cảm xúc của bạn bình tĩnh thì hơi thở trở nên điều hoà, sâu và chậm hơn), nên hãy tập thở đồng thời với việc kiểm soát tư tưởng. Khi đó, bạn cũng có thể đưa luôn cả những suy nghĩ không tốt, tư tưởng đau khổ... ra ngoài theo hơi thở. Như vậy, nếu bạn thay đổi được nhịp điệu hơi thở, bạn sẽ thay đổi được trạng thái tư tưởng, suy nghĩ và cả lối sống của mình.

      Hơi thở làm trí óc của bạn hoạt động, nó được duy trì sâu, đều, thường xuyên thì cơ thể bạn phát triển tốt, vui vẻ, khoẻ mạnh. Nó có thể đẩy lùi những ảnh hưởng không tốt đã ăn sâu vào tiềm thức, hơi thở sẽ giúp cho bạn nảy sinh những tư tưởng chân, thiện, mỹ tiềm ẩn trong bản chất con người.

Theo TVTD

GIẢM STRESS BẰNG PHƯƠNG PHÁP THỞ YOGA.

Hiện nay trên thế giới đầy biến động, vì vậy sự căng thẳng do bị áp lực trong công việc là điều đương nhiên. Những sự việc này nếu không được giải toả, có thể sẽ trở thành stress mãn tính. Từ đây sẽ dẫn tới nhiều loại bệnh như nhức đầu, suy nhược thần kinh, giảm trí nhớ, cao huyết áp, các bệnh thuộc về tim mạch, viêm loét dạ dày v.v...

Cơ thể của bạn có khả năng chịu đựng vô số những ảnh hưởng của đời sống, kèm theo đó bao gồm cả những tình huống khắc nghiệt của không khí như độ ẩm, nhiệt độ, và độ cao v.v...Cơ thể con người được cấu tạo hàng triệu tế bào, được tổ chức lại thành các cơ quan và hệ thống phức hợp, phối hợp với nhau để tạo nên môi trường sống ổn định ở bên trong cho các tế bào, mặc cho những gì đang diễn ra ở thế giới bên ngoài.

Suốt cuộc đời, cơ thể bạn không ngừng đối phó với các sự kiện và vô số các hoạt động. Dù là bạn đang ngủ, đang tập thể dục hay thậm chí là bạn đang ở trong tư thế trồng cây chuối đi chăng nữa, thì cơ thể vẫn sẽ khiến cho nhịp tim, huyết áp và hơi thở của bạn phải thích nghi với tình trạng này nhằm duy trì sự ổn định sống còn ở bên trong nó.

Bất kỳ nhân tố nào có nguy cơ lấn át hay làm mất ổn định sự thăng bằng này đều được xem là tác nhân gây căng thẳng, và ảnh hưởng của nó lên cơ thể được biết đến như là chứng stress. Các tác nhân gây căng thẳng tác động lên cơ thể bằng nhiều cách. Tác nhân gây căng thẳng về thể lực bao gồm khí hậu và độ cao, chấn thương cơ thể, việc tập luyện thể thao quá mức và sự thiếu ngủ. Các tác nhân gây căng thẳng về tâm lý như nỗi sợ hãi, buồn phiền, lo âu... đều kích hoạt phản ứng căng thẳng.

TÁC NHÂN GÂY CĂNG THẲNG TÍCH CỰC

Không phải tất cả các tác nhân gây căng thẳng đều có hại cho cơ thể. Chúng ta vẫn cần có một lượng chất kích thích nhất định nào đó để giữ cho cơ thể khoẻ mạnh và năng động. Những đứa trẻ sống thiếu sự đùa giỡn với bạn bè, ít hay không được yêu thương, thường lớn lên với các vấn đề về thể lực, hành vi và tâm lý. Các tác nhân gây căng thẳng có khả năng kích thích, thiếu điều kiện này, cơ thể của chúng ta sẽ rơi vào tình trạng trì trệ, trầm uất.

Trên thực tế, một lượng thích hợp các tác nhân gây căng thẳng có thể giúp thúc đẩy tốt hơn khả năng hoạt động của chúng ta. Phần lớn các nghệ sĩ thành danh đều nhìn nhận cái lợi của "ánh đèn sân khấu" khi nó tác động chừng mực đến họ. Còn các vận động viên thể thao biết rõ tầm quan trọng của "sự gia tăng adrenaline" giúp họ tranh đua với phong độ tốt nhất.

Các sự kiện hay các hoạt động gây phấn chấn cũng có thể dẫn đến các phản ứng gây căng thẳng. Nghiên cứu cho thấy việc sắp kết hôn hay chuẩn bị đi nghĩ hè cũng có thể gây nên sự căng thẳng như việc bạn bị mất chỗ làm hay sắp dọn nhà.

Tối ưu hơn cả là để có được một sức khoẻ hoàn hảo, bạn cần trải nghiệm qua một lượng thích hợp các tác nhân gây căng thẳng tích cực. Ngoài ra, bạn cũng cần phải biết cách đối phó với tình trạng quá tải của tác nhân gây căng thẳng hoặc với việc bạn dễ bị tổn thương bởi các tác nhân gây căng thẳng tiêu cực.

STRESS CẤP TÍNH VÀ MÃN TÍNH

Stress có thể trở nên cấp tính hoặc mãn tính. Cơ thể của chúng ta được cấu tạo để có khả năng đối đầu với những tình huống đặc biệt căng thẳng nào đó bằng cách kích hoạt phản xạ FFF [fright, fight, flight]- hoảng sợ, kháng cự lại, hoặc cao chạy xa bay. FFF là một phản xạ đối phó đa hệ thống do hệ thần kinh GIAO CẢM sản sinh ra. Nó đưa cơ thể vào tư thế chuẩn bị khi cần có thể kháng cự lại hoặc chạy trốn khi gặp nguy hiểm.
Bạn sẽ thở sâu và thở nhanh hơn, nhịp tim tăng nhanh, đồng thời tim cũng đập mạnh hơn. Máu nhanh chóng được tái luân chuyển tới não và cơ bắp, và toàn bộ cơ thể được đặt vào tình trạng báo động khi hóoc môn adrenaline tiết ra ào ạt từ tuyến thượng thận sau đó đi vào máu.

Sự sản sinh adrenaline cũng tác động tới việc tiết ra nhiều loại hóoc môn khác cùng phối hợp với ảnh hưởng đa hệ. Khi tình trạng khẩn cấp qua đi, phản xạ FFF biến mất. Tình trạng thăng bằng bình thường sẽ được thiết lập nhanh chóng và mọi cảm giác về phản ứng hay sự mệt mỏi cũng sẽ tiêu tan. Thường xuyên ở trong hoàn cảnh bị căng thẳng đe doạ sẽ dễ dẫn đến tình trạng mãn tính- một phần của phản xạ FFF sẽ lưu giữ lại và luôn ở trong trạng thái được kích hoạt. Trong tình trang này, nồng độ adrenaline trong máu sẽ cao hơn bình thường và bản thân người đó luôn bị căng thẳng, dần dần sẽ mất khả năng ứng phó và cảm thấy kiệt sức nhiều hơn.

CÁC TÁC NHÂN GÂY CĂNG THẲNG TIÊU CỰC

Các tác nhân gây căng thẳng sẽ tác động tới cơ thể, tinh thần, cảm xúc và tâm linh của bạn. Cơ thể bạn sẽ bị đặt dưới áp lực khi bạn sống trong một môi trường khắc nghiệt, nhiệt độ và độ ẩm thất thường, hay ở trên độ cao quá lớn. Rất may là phần lớn chúng ta không gặp phải vấn đề này. Phần lớn chúng ta thường xuyên va chạm với những tác nhân gây căng thẳng về thể lực, như hít thở không khí bị ô nhiễm của đô thị và các độc tố trong môi trường sống. Các điều kiện làm việc bất lợi như: chỗ ngồi được thiết kế không thích hợp, làm việc ca đêm, cũng như tình trạng giao thông không đáng tin cậy.

Stress về trí não là tình trạng còn tồi tệ hơn nữa. Ngày nay, hệ thống công nghệ thông tin cao hơn bao giờ hết, đã góp phần thúc đẩy nhanh nhịp sống của loài người. Thời gian rảnh rỗi - "thời gian dành cho bản thân"- gần như không còn nữa, và khi "giờ nghĩ giải lao" đã thực sự thay thế nó thì bạn không còn có khả năng tách khỏi công việc và thư giãn cho đúng nghĩa nữa.                                                                      

Ở đây tôi cũng muốn bày tỏ và cũng như chia sẻ cùng các bạn về vấn đề GIỜ NGHĨ GIẢI LAO. Thông thường trong 8 giờ làm việc, ngoài việc ăn cơm trưa và nghĩ ngơi, chúng ta còn có một khoảng trống nhỏ nghĩ giải lao khoảng 5 hoặc 10 phút. Đây là những giây phút rất quý báo để ta tái tạo lại nguồn năng lượng trong quá trình làm việc mà ta bị tiêu hao. Thông thường trong những giây phút này người ta chưa biết sử dụng như thế nào cho có hiệu quả, mà thường hay ngồi bàn những chuyện không đâu hay hoặc cố gắng làm thêm. Nếu bạn chỉ dành thời gian này cho việc chú tâm vào vùng bụng dưới [tập một phương pháp THIỀN] trong khoảng thời gian nghĩ giải lao... thì thật là tuyệt vời. Bạn sẽ làm cho năng lượng của bạn mạnh lên và chắc chắn là những công việc kế tiếp của bạn sẽ có hiệu quả hơn [ý của MAI VĂN NHƯ]

Stress mãn tính dần dần có thể dẫn đến việc hình thành trạng thái chán nản, u uất. Với tình trạng như hiện nay, thật dễ dàng khiến người ta có cảm giác bị cuốn vào guồng máy nặng nhọc của hàng khối công việc mà chẳng có cách gì thoát khỏi để xã hơi đôi chút. Thường xuyên ở trong tình trạng như vậy sẽ dễ dẫn đến các bệnh về tâm lý như lo âu, trầm cảm. Tác động của nồng độ cao các hóoc môn gây Stress như adrenaline, cortisol, phá vỡ các chức năng sinh lý bình thường, khiến cơ thể bị suy yếu, dễ dàng bị nhiễm bệnh. Chứng cao huyết áp, nhiễm trùng, dị ứng và các vấn đề về tiêu hoá chỉ là một trong vô số các chứng bệnh mà tình trạng stress thái quá sẽ khiến chúng trở nên thêm trầm trọng.

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI MỨC ĐỘ STRESS

Dĩ nhiên là lối sống hiện đại đã góp phần tạo nên chứng stress mãn tính. Phần lớn mọi người đều đi làm hay tự làm việc cho mình. Các nhân viên làm thuê là đối tượng được theo dõi chặt chẽ trong công việc với các kỳ hạn và mục tiêu kinh doanh nhất định. Họ chỉ được nhận thêm lương và tiền thưởng với điều kiện là họ phải bỏ thêm thời gian để làm việc. Đối với những người làm công việc quản lý, lảnh thêm trách nhiệm có nghĩa là tăng thêm áp lực cho bản thân.

Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, họ làm việc đa hệ...họ xoay vần giữa sự nghiệp, công việc nhà và trách nhiệm gia đình. Điều này đòi hỏi một khả năng gần như siêu phàm để lên kế hoạch, xác định mục tiêu ưu tiên và thực hiện hàng loạt nhiệm vụ, phần lớn là vài nhiệm vụ cùng một lúc. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi phụ nữ trong những năm tháng phải nuôi dưỡng con cái, luôn ở trong tình trạng mệt mỏi và luôn cáu gắt! Tôi rất tôn vinh những người phụ nữ. Thấu hiểu những nỗi cực khổ của vợ, là cánh đàn ông tôi khuyên các bạn hãy chia sẻ với bà xã trong công việc nội trợ nhé, làm được như vậy cũng là một yếu tố tạo thêm sự hạnh phúc của gia đình đấy. Đừng có đi làm về rồi phó mặc mọi công việc cho bà xã, ngồi bật ngửa trên ghế đọc báo hay xem tivi. Đừng như câu ông bà thời xưa thường nói "heo kêu, con khóc...chồng ngồi vuốt râu" làm như vậy là coi hỏng có được đâu..

Cuộc sống có thể đem lại cho bạn những tình huống gây stress khó chịu đựng nổi. Những sự kiện như mất mát người thân, ly dị, chuyển nhà, sinh em bé, thay đổi chỗ làm, tất cả đều gây cho bạn những căng thẳng đáng kể. Chỉ cần hai sự kiện trong số đó xảy ra cùng trong một khoảng thời gian ngắn là đủ để bạn bị mắc chứng stress thái quá rồi.

Nhiều người trong chúng ta có lối sống rất thụ động. Đôi khi đó là do sự chọn lựa của bạn , nhưng thường là do bạn không có thời gian để tập thể dục hay thể thao. Cơ thể của chúng ta được tạo nên là phải hoạt động: thiếu rèn luyện thể lực, cơ thể sẽ trở nên cứng nhắc và yếu đuối. Tuy nhiên tập luyện quá sức cũng gây căng thẳng như khi bạn không tập luyện. Say mê tập luyện thường xuyên và buộc cơ thể phải nổ lực hết mình là cách mà một vài người lựa chọn để đối phó với stress. Điều này đôi khi cũng có liên quan tới việc ham muốn được trở nên giống các người mẫu nổi tiếng, nhưng nó lại đưa đến sự bất mãn trong nội tâm của bạn khi ước muốn không thành. Và không may là hiệu quả tổng thể của nó chỉ làm tăng mức độ stress, chứ không hề giảm bớt đi.

Bạn cũng có thể làm gia tăng mức độ stress khi đứng và ngồi lâu trong tư thế sai lệch. Ngồi lâu ở bàn làm việc hay lái xe trên những đoạn đường dài đều không mang lại lợi ích gì cho bạn, kể cả việc mang vác nặng khi đứng và đi bộ như các túi xách đi chợ , cặp vở hay bế em bé, đặc biệt là khi phải cùng một lúc mang tất cả những thứ này. Một gánh nặng về thể lực như vậy sẽ gây căng thẳng và đau nhức ở vùng cổ, vai và phía dưới lưng.

Trạng thái thể lực và tình cảm của bạn ảnh hưởng khá rõ tới mức độ stress. Trước khi đi thi, hay đi phỏng vấn, bạn thường tạo áp lực cho bản thân để hoàn thành tốt công việc tới mức bị stress thái quá. Bệnh tật, đặc biệt là các bệnh gây đau đớn, khó chịu kinh niên, làm tăng mức độ căng thẳng của người bệnh. Viêm khớp, đau nhức cơ, hội chứng kích thích ruột, và các chứng bệnh tương tự gây trở ngại cho bạn trong công việc, lại làm càng tăng thêm áp lực.

Các phương tiện thông tin toàn cầu ngày nay đem tới cho mọi người thông tin về những thảm hoạ do con người và thiên nhiên gây ra với tốc độ chóng mặt, ngay cả khi chúng xảy ra ở cách xa bạn hàng ngàn cây số. Hình ảnh và những cuộc phỏng vấn gây thương tâm, thực sự là những tác nhân gây căng thẳng nặng nề, đặc biệt là khi bạn cảm thấy bất lực trước những tình cảnh như vậy.

PHỤC HỒI SỰ THĂNG BẰNG

Khi bị tấn công dồn dập bởi vô số những tác nhân gây căng thẳng, bạn cần phải xem xét lại lối sống của mình và quyết định thay đổi cho phù hợp hơn. Tuy nhiên, trước khi thay đổi lối sống, bạn nên nhận biết cảm nhận thực sự của chính mình. Stress có thể nguỵ trang cho thông điệp đang được gửi tới não bằng hàng ngàn các đầu dây thần kinh giao cảm có mặt trên khắp cơ thể bạn. Kết quả là bạn sẽ mất liên lạc ngay với chính bản thân mình. Hậu quả cuối cùng là bạn sẽ không nhận ra cảm giác mệt mỏi cho tới khi nó chuyển sang tình trạng kiệt sức, hay không biết cơ bắp căng thẳng cho tới khi nó trở nên không thể chịu đựng được.
Khi tới đỉnh điểm này, bạn cần phải biết cách hãm tốc độ, tìm lại sự kết nối với nhịp sống bình thường của cơ thể, tinh thần và tâm linh. Nhờ biết cách quan sát cơ thể một cách khách quan, bạn sẽ thật sự có ý thức về cảm nhận của cơ thể và hiểu biết hơn về các biểu hiện của stress
Khi bạn đã có thể thật sự kết nối với bản thân, các triệu chứng của stress sẽ giảm đi. Những cơn sợ hãi và những biểu hiện khác của stress lui dần, và bạn sẽ cảm thấy là chúng không còn chế ngự bạn được nữa.

YOGA CÓ THỂ GIÚP GÌ CHO BẠN?

Yoga là một môn khoa học tâm linh có từ ngàn xưa, tái kết nối bạn với cái tôi thật sự của mình. Nó tiếp tục duy trì trong bạn nhận thức nhạy bén về những sự vật đang diễn ra quanh mình, và cuối cùng là những ước muốn của bạn trong cuộc sống. Yoga tác động tới mọi khía cạnh của một cá thể- phần thể xác, tinh thần và tâm linh cùng một lúc. Các bài tập co giãn thân người nhẹ nhàn và dễ chịu cùng với các tư thế Yoga truyền thống [asana] giúp xoa dịu sự căng thẳng trong cơ bắp, làm cho các khớp xương trở nên linh hoạt, đồng thời cũng duy trì thể lực cho toàn bộ cơ thể. Tiếp theo, kỷ thuật thư giãn giúp cơ thể giải toả căng thẳng và tái tạo lại năng lượng.

Trong Yoga, luyện thở là một phần không thể tách rời của việc thực hành- hơi thở chính là sự kết nối giữa ý thức và cơ thể. Các kiểu thở đơn giản đem lại sự yên tĩnh trong trí não và "dạy" cho các bộ phận "tư duy" của ý thức biết thư giãn và nghỉ ngơi. Các bài tập thở này đưa bạn dần tới việc thực hành thiền sơ cập, khiến cho sự tĩnh lặng nội tâm ở bạn càng sâu lắng hơn. Cảm giác tĩnh lặng và thăng bằng này rồi sẽ theo bạn đi vào cuộc sống đời thường, giúp bạn kiểm soát và đối phó hiệu quả hơn với những tình huống gây căng thẳng.
Không giống như các lãnh vực khác của cuộc sống, ở Yoga không có sự tranh đua, mà bạn phải tự tập luyện trong phạm vi khả năng của mình. Việc thực hành Yoga thường xuyên sẽ phát triển sự tự tin, và từ đó dẫn tới sự trưởng thành của bản thân. Nhiều loại hình thư giãn nhằm giải toả stress như môn phản xạ học hay massage, mặc dù là rất có giá trị... nhưng chúng đòi hỏi phải có người thứ hai cùng thao tác. Trong khi với Yoga, bạn phải tự chịu trách nhiệm về bản thân và việc tập luyện của mình.

Khi đã trở nên quen thuộc với việc thực hành Yoga, bạn sẽ thấy là mình đang sống cùng Yoga trong cuộc sống thường ngày. Toàn bộ thái độ của bạn đối với cuộc sống cũng thay đổi theo; bạn sẽ thấy mình không còn dễ bực dọc với các thói quen, hoặc là các hành động của đồng nghiệp hay là những người thân trong gia đình nữa. Bạn sẽ vẫn giữ được bình tĩnh khi sự việc không tiến triển như bạn mong muốn, bạn có khả năng đối phó tốt hơn với nhiều vấn đề trong đời sống để tìm được giải pháp thoả đáng. Đây là điều kỳ diệu trong Yoga mà không phải bất cứ phương pháp tập luyện nào cũng có được, và cũng cần phải nói rõ thêm: Nếu muốn giảm stress, để được sống cùng Yoga  trong cuộc sống đời thường, dĩ nhiên là bạn phải biết tập THỞ và TẬP THIỀN. Nếu như các bạn chỉ tập các động tác [asana] thì " KHÔNG BAO GIỜ GIẢM ĐƯỢC STRESS", mà càng ngày càng bị stress nặng hơn, đây là một sự thật không thể biện luận gì thêm.

CÁC DẤU HIỆU CHO THẤY BẠN BỊ STRESS THÁI QUÁ

Tình trạng stress mãn tính thái quá được biểu hiện bởi vô số các triệu chứng sau:
- Căng thẳng cơ bắp vùng cổ và vai, hoặc rất đau đớn.
- Căng thẳng cơ bắp ở da đầu và hàm, khiến bạn nhức đầu và đau nhức mặt. Đau nhức nữa đầu, nghiến răng ban đêm, cắn móng tay, bồn chồn... đều là các dấu hiệu stress thái quá.
- Tim đập nhanh, hơi thở nông, ngắn và đổ mồ hôi.
- Tiêu hoá có vấn đề như ợ chua, hội chứng kích thích ruột [IBS] hay rối loạn tiêu hoá.
- Bạn cảm thấy phải làm việc quá sức, luôn bị áp lực. Bạn mệt mỏi, trầm cảm, luôn lo lắng và tinh thần luôn bị kích động, khó được tĩnh tâm.
- Chứng mất ngủ khiến tình trạng thể lực của bạn thêm tồi tệ, đồng thời việc bạn không có khả năng thoát ra khỏi tình trạng stress, sẽ càng làm cho bệnh mất ngủ càng thêm trầm trọng
- Xuất hiện những cơn sợ hãi, càng thúc đẩy việc sản sinh adrenaline. Bạn có thể sẽ chán ăn và việc bạn sử dụng nhiều các chất cồn như bia, rượu có thể sẽ dẫn đến tình trạng nghiện ngập.
- Hút thuốc lá được nhiều người xem là giải pháp thoát khỏi sự căng thẳng, nhưng thật ra càng làm cho tình hình thêm tồi tệ do độc tố ngấm vào cơ thể, huỷ hoại phổi và mạch máu.

YOGA CƠ BẢN

Tâm sinh lý Yoga

Có lẽ đặc tính quan trọng nhất của sinh vật, cái phân biệt nó với chất vô cơ, là khả năng tương tác và thích ứng của nó với môi trường xung quanh. Sau hàng triệu năm tương tác và thích ứng, thế giới hữu cơ đã sản sinh ra đứa con quí giá nhất của mình con người mà ở đó khả năng này lại càng được nâng cao. Ai cũng có thể công nhận rằng con người sẽ thích ứng được với những mối đe doạ không lường trước của tương lai, một điều kiện cho sự tồn tại và thành công về mặt sinh học. Do vậy, con người đã có được một tâm trí và cơ thể phức tạp nhất với một hệ thống sinh học phức tạp. Hệ thống sinh học và tâm trí như vậy rất thiết yếu cho sự tiến hoá tiếp tục của loài người.
Khả năng thích ứng dường như vô giới hạn có được bởi vì con người có được khả năng tương tác giữa cơ thể và tâm trí. Những thay đổi của môi trường ảnh hưởng đến cơ thể được phản ánh trong tâm trí và những điều ảnh hưởng đến tâm trí đó biểu hiện ra trên cơ thể. Để thực hiện tương tác đó cần có một phương tiện phức tạp nhờ đó tâm trí có thể chuyển đổi các ý tưởng, cảm xúc và tưởng tượng đến cho cơ thể; ngược lại, cơ thể có thể truyền những đau đớn và thích thú của nó đến tâm trí.


Phương tiện thông qua đó tâm trí và cơ thể tương tác là các tế bào thần kinh và hóc môn. Chính nhờ các yếu tố này mà con người đáp ứng nhu cầu của phân tử, cái trừu tượng được biểu hiện và cái vô hình được hình thành. Hơn nữa, khả năng thích ứng lại nằm ở những tế bào thần kinh và tuyến, nơi tiết ra các hóc môn. Nền Khoa học Mới phụ thuộc nhiều vào hai yếu tố này.
Một phần tâm trí của chúng ta được thừa hưởng, hoặc đúng hơn tái sinh mang theo các nghiệp (samskara) của các kiếp trước. Tuy nhiên một phần khác được tích luỹ trong suốt cuộc đời, là kết quả của những điều chúng ta làm trong kiếp sống hiện nay. Sự kết hợp của hai loại nghiệp đó khiến chúng ta trở thành con người toàn bộ như đang có. Samskara hay nghiệp là nguồn động lực của tâm trí cho phép nó biểu hiện các ham muốn của mình. Các lực tâm trí hay khuynh hướng phải được chuyển đổi thành lực vật chất. Các điểm mà ở đó diễn ra các quá trình chuyển đổi tâm trí đó được gọi là các luân xa. Mỗi điểm hoặc trung tâm chuyển đổi đó liên quan tới các tuyến nội tiết tiết xuất ra hóc môn. Sự tiết xuất hóc môn không phải là tự động như nhiều người vẫn tưởng. Đúng hơn nó chịu ảnh hưởng của các tư tưởng và tình cảm của chúng ta. Ngược lại, các hóc môn cũng ảnh hưởng và biểu hiện các hoạt động tâm trí của chúng ta như suy nghĩ, ghi nhớ và ứng xử. Do vậy chúng là hệ thống kiểm soát hai chiều giữa cơ thể và tâm trí.
Bộ não của chúng ta là tập hợp của các tế bào thần kinh, chúng phụ thuộc và phát triển nhờ vào nhiều loại hóc môn. Chúng điều tiết và bị điều tiết bởi sự tiết xuất hóc môn. Một số luân xa nằm trong bộ não của chúng ta dành cho quá trình chuyển đổi tâm trí. Những tuyến nội tiết quan trọng nhất với chức năng điều tiết nằm ngay trong bộ não của chúng ta. Sự gần gũi như vậy là bằng chứng cho mối quan hệ phức tạp giữa chúng và vì cùng mục tiêu chung. Các tế bào thần kinh chịu trách nhiệm cho tất cả các hành động và phản hành động, cũng như điều chỉnh hành vi của chúng ta.
Lymph hay bạch huyết là một chất có nhiều nghĩa khác nhau ở các nền văn hoá khác nhau. Tuy nhiên họ đều đồng ý rằng đó là một cái gì đó được trích xuất từ những chất sống bên trong cơ thể chúng ta. Kiến thức khách quan về lymph rất hữu hạn bởi vì sức sống và chất lượng cuộc sống không thể đo lường được. Nền Khoa học Mới gợi ý rằng lymph là thiết yếu cho các tế bào thần kinh và cho sự tiết xuất hóc môn. Không đủ lymph, cơ thể mất đi sức sống và sự bóng bẩy, dẫn đến nhiều sự rối loạn khác nhau của các tế bào thần kinh và tuyến nội tiết.
Bệnh suy giảm hệ thống miễn dịch AIDS chủ yếu là sự rối loạn của hệ thống lymph, trong đó tất cả các năng lượng và sức sống của lymph bị các vi rút HIV lấy hết. Vi rút HIV đặc biệt gây hại cho hệ thống miễn dịch mà các tuyến bạch huyết là một phần không tách rời. Các tuyến bạch huyết bổ sung các tế bào bạch huyết (các tế bào miễn dịch và tiêu diệt tự nhiên) và các kháng thể (các protein miễn dịch) vào bạch huyết khi nó đi qua các tuyến này. Vi rút HIV tiêu diệt các tế bào ở tuyến bạch huyết nơi tạo ra các yếu tố trên, khiến cho cơ thể mất sức đề kháng chống lại sự nhiễm khuẩn từ bên ngoài. Sự phá huỷ của hệ thống miễn dịch khiến cho cơ thể chịu nhiều rối loạn liên quan tới hầu hết các hệ thống trong cơ thể người. Dần dà sức sống ở các cơ quan, như não, tim, phổi, tuyến nội tiết, dạ dày, ruột bị mất dần. Người bệnh đang bị chết dần.
Bởi vậy, tâm trí, luân xa, tuyến, tế bào thần kinh và bạch huyết là năm nhân tố cơ bản của quá trình tương tác giữa cơ thể và tâm trí.

ASANA – TƯ THẾ YOGA

Asana hay tư thế yoga theo nghĩa đen có nghĩa là một tư thế được giữ cố định một cách thoải mái, đồng thời nó cũng bao gồm những chuyển động chậm rãi và uyển chuyển. Khi luyện tập, cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi hiệu quả nhất, hơi thở sâu đi kèm sẽ mang nhiều ôxi hơn đến cho máu.
Thông qua các bài tập asana, năng lượng được tích tụ và cơ thể được hồi phục. Các asana đem lại lợi ích cho tất cả các hệ thống trong cơ thể. Các động tác vặn uốn trong các bài tập tạo áp lực lên các tuyến nội tiết, giúp chúng hoạt động cân bằng hơn. Kết quả là toàn bộ chức năng của cơ thể, bao gồm các quá trình sinh trưởng, tiêu hoá, hồi phục và đào thải, được vận hành tốt hơn. Thêm vào đó, do việc tiết xuất hóc môn có ảnh hưởng đến cảm xúc, các asana qua việc làm cân bằng việc tiết xuất này dần dần sẽ giúp chúng ta kiểm soát các xáo trộn cảm xúc. Do vậy các asana giúp tâm trí thoát khỏi các ảnh hưởng tiêu cực và đạt tới sự bình yên. Các asana còn nhiều ích lợi khác: chúng làm thư giãn và mạnh lên hệ cơ bắp và thần kinh, kích thích tuần hoàn máu, mềm các khớp, kéo căng các dây chằng, cải thiện hệ tiêu hoá và xoa bóp nội tạng.
Để có một cuộc sống cân bằng, con người cần phát triển trên cả ba khía cạnh: thể chất, tâm trí và tâm linh. Thiền định giúp ta yên tĩnh, kiểm soát tâm trí và nâng cao tinh thần; các asana và chế độ ăn uống phù hợp làm thanh lọc cơ thể khiến cơ thể phát triển theo kịp với sự phát triển của tâm trí. Nhờ các kỷ luật của asana, người tập dần dần học được cách giữ cơ thể và tâm trí luôn sẵn sàng trong mọi tình huống. Một cơ thể hoạt động hoàn hảo và một tâm trí được giải thoát khỏi những xáo trộn cảm xúc là mục tiêu của các asana.
Asana là điệu nhảy trong âm nhạc của hơi thở. Hãy lắng nhe cơ thể chuyển động ; Hãy làm chầm chậm và chú ý vào bản thân - Hãy thở sâu, thư giãn và tận hưởng!
Hãy ghi nhớ khi luyện tập asana:
Các tư thế yoga giúp củng cố hệ nội tiết và cũng giúp kiểm soát các cảm xúc thông qua tập trung và thư giãn.
Khả năng ở trạng thái thăng bằng thư giãn đem lại một hiệu quả tâm lí quan trọng. Người tập yoga, thông qua rèn luyện, dần dần biết cách giữ thăng bằng tâm lí trong các hoàn cảnh khác nhau.
Không cần thiết phải tập một chuỗi các asana phức tạp. Tuỳ theo nhu cầu của cơ thể, chúng ta có thể chỉ cần tập vài tư thế mỗi ngày. Do chúng ta có những mất cân bằng và nhu cầu khác nhau, mỗi người cần tập các asana riêng. Việc luyện tập một tư thế nhất định có thể kích thích một tuyến nào đó đã ở trạng thái rất hoạt động rồi, hoặc gây hại theo những cách tinh vi khác. Asana, cũng như các kỹ thuật yoga khác, là một phần trong một hệ thống rèn luyện thể lực và tâm trí hài hoà, một bước đi trên một con đường dài, do vậy cần có sự hướng dẫn của một người thầy chân chính.
Việc tập asana cần kết thúc bằng xoa bóp và thư giãn vài phút.
Khỏe và trẻ nhờ tập yoga

Đơn giản nhưng là khó khăn đối với nhiều người sống ở các thành phố vì không gian sống chật hẹp và ồn ào. Để tìm lại sự cân bằng trong tâm hồn, nhiều người đã tìm đến với yoga và họ đã thấy những hữu ích mà phương pháp này đem lại.
Một điều đặc biệt là có tới 90% người đi tập yoga là phái yếu, nhiều chị em cảm thấy… mạnh lên sau tập yoga do họ tự tin vì mình khoẻ, thậm chí là trẻ ra.
“Dạo này da dẻ hồng hào quá nhỉ” - lời động viên đầy hảo ý của người bạn tập khiến chị Lê Thị Thu, 52 tuổi ở Hàng Bún (Hà Nội) nở nụ cười hạnh phúc. Từ khi mang trong mình cái “án tử hình” và mắc bệnh ung thư vú, chị rất ít cười. Đầu năm 2007, sau khi phẫu thuật, Thu đã phải trải qua nhiều lần xạ trị, truyền hoá chất nên tóc chị rụng hết, nước da xám ngắt, thần hình tiều tuỵ.
Rời giường bệnh, chị đã đi tập yoga để mong tâm hồn thanh thản và quên đi bệnh tật. Tập yoga đòi hỏi tính kiên trì nên đối với người mang trọng bệnh như chị là cả một sự cố gắng lớn. Lúc đầu, chị chỉ tập 2 buổi/tuần nhưng nay là 4 buổi và chị còn tranh thủ tập thêm ở nhà. Sau vài tháng tập luyện, tóc chị Thu đã mọc trở lại, ăn thấy ngon và không bị giảm cân. Chị bảo: “Có lẽ mình tập luyện thường xuyên nên các bộ phận trong cơ thể luôn chuyển động, mồ hôi toát ra nhiều và mang theo cả chất độc hại. Cứ ba tháng mình đi kiểm tra sức khoẻ 1 lần, lần gần đây nhất cách đây 1 tháng, bác sỹ kết luận các chỉ số về sức khoẻ của mình bình thường, bệnh tiến triển rất chậm - Chị Thu vui mừng nói.
Nếu như gặp ngoài đường, ít ai nghĩ rằng chị Trần Thanh Mai ở Lý Nam Đế (Hà Nội) đã ngoài 50 tuổi. Chị tâm sự: “Trước kia, mình bị bệnh đau nửa đầu. Cơn đau hành hạ thường xuyên nhưng sau 2 tháng tập yoga, tần xuất của cơn đau giảm hẳn. 6 tháng nay mình không thấy cơn đau nào nữa”. Theo chị Mai, luyện yoga giúp cơ thể vận động từng khớp xương, từng cơ bắp, khiến máu lưu thông tốt lên não nên cơn đau đầu của chị đã giảm. Chị tự hào khoe: “Yoga còn giúp cơ thể mình săn chắc và gầy đi 2kg đấy. Nhìn vòng eo của mình đây này, nhiều cô gái trẻ còn lâu mới theo kịp”.
Không muốn bỏ lỡ cơ hội nói về tác dụng của tập yoga, chị Hoàng Thị Loan, ngồi cạnh chen vào: “Tôi bị đau khớp vai nặng trong nhiều năm, không giơ tay lên cao hay ra đằng sau được. Sau hơn 4 tháng tập Yoga, khớp vai đã hết đau”. Chị Loan đã động viên cả con gái đi tập. Em Trần Ngọc Diệp, 14 tuổi, con gái chị Loan tâm sự: Sáng học ở lớp, chiều học thêm, tối học ngoại ngữ nên em rất căng thẳng. Sau khi theo mẹ đi tập Yoga được 3 tháng, những căng thẳng trong học tập giảm bớt, tâm hồn thư thái hơn nên em có hứng thú học tập”.
Nhất tập, lưỡng tiện
Tất nhiên không thể khẳng định yoga chữa được nhiều bệnh, trong đó có bệnh ung thư nhưng theo ông Trương Kim Toàn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Yoga Hà Nội thuộc Hiệp hội CLB Unesco Việt Nam, tập yoga có tác dụng nhất định trong việc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Tại CLB Yoga Hà Nội hiện cũng có 2 giáo viên đã phải phẫu thuật vì bị ung thư. Thông thường những người mắc bệnh này chỉ sống chừng 1-2 năm nhưng sau khi tập Yoga, họ đã sống thêm 7 năm và hiện đang dạy môn học này cho nhiều người.
Ông Toàn là người đã tập yoga 10 năm, ở cái tuổi thất thập nhưng ông vẫn có thể vắt 2 chân lên gáy và ngồi bằng… 2 tay. Theo ông Toàn, thông qua luyện tập yoga, năng lượng được tích tụ, các động tác vặn uốn trong bài tập tạo áp lực lên các tuyến nội tiết, từ đó sản sinh ra hocmon. Lượng hocmon này sẽ được điều hòa, giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng. Các bài tập còn kích thích tuần hoàn máu, mềm các khớp, kéo căng dây chằng, cải thiện hệ tiêu hóa…


Có nghĩa là mục đích ban đầu của tập yoga là để khoẻ ra và tâm hồn thư thái nhưng do được rèn luyện, sức đề kháng của cơ thể nâng cao, ăn ngon, ngủ được, quên đi muồn phiền…Hơn nữa, người tập cũng được khuyên ăn uống hợp lý nên ngoài nâng cao sức khỏe sẽ tránh và hạn chế được sự tiến triển của nhiều bệnh.
Ông Trương Kim Toàn cho rằng: Có hàng trăm động tác tập yoga, một bài tập bắt buộc phài có 5 bước là Thiền, khởi động, tập luyện, xoa bóp và cuối cùng là thư giãn. Khi tập yoga, do phải tập trung cao độ vào động tác và hơi thở nên con người thoát khỏi lo lắng, buồn phiền trong lòng khiến họ thảnh thơi hơn và sẽ bình tĩnh hơn trong cuộc sống. Các phương pháp tập yoga còn chữa được chứng mất ngủ, stress, hen suyễn, đau đầu, giảm lượng mỡ dư thừa tích trữ ở bụng và đùi, giúp cơ thể gọn gàng, thon thả hơn nên phụ nữ, kể cả bạn gái trẻ tìm đến với Yoga ngày một nhiều. Trong số 300 người tập yoga tại các điểm tập thuộc CLB Yoga Hà Nội mỗi ngày có đến 90% là phụ nữ.
Lưu ý gì khi tập Yoga?
Yoga không phân biệt tuổi tác, giới tính, từ em học sinh đến người cao tuổi và cả phụ nữ mang thai tập yoga sẽ giúp tinh thần sảng khoái, cơ thể linh hoạt hơn, giảm thiểu khả năng bị chuột rút, giảm những nguy cơ, lơ lắng khi sinh nở. Tuy nhiên, khi tập yoga, thai phụ cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ và thực hành đúng theo hướng dẫn của người dạy.
Theo TS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Đông Y (BV Trung ương Quân đội 108): Yoga là một phương pháp tu luyện, nghĩa là tìm cách cải tạo toàn bộ con người, trong đó cải tạo tâm tư, tình cảm, tư tưởng, nhân quan là chính. Khác với tập luyện thể dục thể thao hiện đại, yoga thiếu mất vận động nhưng lại là con đường tập luyện của phần nội, mặt tĩnh của con người.
Thực ra, yoga tuy tĩnh nhưng cũng như khí công dưỡng sinh trong tĩnh có động. Theo quan niệm của y học cổ truyền, yoga là một trong những phương pháp tập luyện có tác dụng điều hoà công năng hoạt động của lục phủ ngũ tạng, làm cho hệ thần kinh thông suốt, khí huyết trở nên dồi dào, mọi quan hệ trên, dưới, trong ngoài thêm gắn bó, giúp cơ thể thích nghi tốt với biến đổi của môi trường bên ngoài. Luyện yoga còn giúp cho cơ thề bồi đắp chính khí, phục hồi và duy trì cân bằng âm dương.
TS Hoàng Khánh Toàn cho rằng, bất cứ phương pháp nào cũng có mặt trái của nó. Nếu tập Yoga sai có thể ảnh hưởng đến tiềm thức, hệ thần kinh, hệ thần kinh và dẫn đến những tác hại khôn lường như trầm cảm, ám ảnh…
Muốn thực hành yoga đạt hiệu quả phải có phương pháp, tốt nhất là có thầy dạy, không nên tự luyện tập. Bên cạnh đó, chỉ tập yoga sau ăn 3 tiếng, thời gian tập thích hợp là vào trước buổi sáng hay buổi chiều.
Lúc đầu, tốt nhất tập ít, khi tập nên mặc quần áo mềm mại, thoáng và tắm, rửa tay chân trước khi tập, nếu bị đau, cảm cúm thì không nên tập. Sau khi tập phải xoa bóp chân, tay, và toàn bộ cơ thể, đặc biệt là các khớp và không tiếp xúc với nước ít nhất 10 phút sau tập. Để nâng cao sức khỏe, người tập cần tập các động tác cơ bản trước, sau đó tập các bài tập nâng cao liên quan đến bệnh tật của mỗi người.
Yoga cho tâm hồn

Yoga cười giúp phụ nữ luôn duy trì lòng nhiệt tình, hào hứng đối với công việc, cuộc sống
Cơ thể cần vitamin E để có được sự trẻ trung, sức sống. Phụ nữ lại càng cần hơn khi bắt đầu thấy dấu hiệu lão hóa từ làn da, mái tóc. Tinh thần cũng cần loại vitamin E này. Đó là âm đầu tiên của “Enthsiasm”, nghĩa là lòng nhiệt tình, hăng say với cuộc sống. Làm sao tạo được điều này từ Yoga cười (Y.C)? Bác sĩ y khoa Dr.Madam Kataria (Ấn Độ), 15 năm trước đây là người sáng lập trường phái Y.C và nay đã lan tỏa đến trên 70 nước, lần đầu tiên đến Việt Nam đưa ra những bí quyết khám phá sức mạnh của Y.C.

Khám phá sức mạnh tiềm ẩn
Tiếng cười tự nhiên trong cuộc sống tùy thuộc vào nhiều lý do và điều kiện. Thường chúng ta để mặc tiếng cười cho may, rủi; khi có, khi không…
Y.C là một ý tưởng độc đáo, rằng mọi người có thể cười mà không cần lý do, không cần dựa trên những câu chuyện hài hước, chuyện tiếu lâm hay hài kịch. Khoa học đã chứng minh để có được lợi ích thực sự, chúng ta cần phải duy trì tiếng cười liên tục từ 10 đến 15 phút. Trong Y.C, có những bài tập cười, có thể kéo dài tiếng cười theo ý muốn.
Chúng ta không thể thực hiện bài tập cười to và dài trong vòng 15 đến 20 phút, bởi những người xung quanh sẽ cảm thấy mình không bình thường mà không biết rằng bản thân mình đang tập những bài tập Y.C. Vì thế cần phải tập cười trong một nhóm đông, giao tiếp bằng ánh mắt và vui đùa như trẻ thơ. Nó sẽ sớm trở thành tiếng cười thật sự và lan nhanh qua người khác.
Để phụ nữ có thể cười dễ dàng
Phụ nữ dù ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều giống nhau bởi họ phải thực hiện thiên chức làm mẹ, làm vợ, họ cũng chính là người gặp nhiều stress nhất trong cuộc sống. Thông thường họ gặp phải 3 loại căng thẳng dễ dẫn đến stress như căng thẳng thể chất do làm việc vượt quá khả năng hay làm việc liên tục không được nghỉ ngơi đúng mức; căng thẳng tâm lý do công việc quá tải, do bị thúc ép thời gian hoàn thành; căng thẳng cảm xúc hay tình cảm, thường có nguyên nhân sâu xa do những mối quan hệ không tốt trong gia đình…
Những gì xảy ra trong tâm trí đều ảnh hưởng đến cơ thể và ngược lại. Cha tôi thường dạy: “Mỗi khi con gặp chuyện không vui hay khi buồn, con hãy tìm một việc làm nào đó để quên đi nỗi buồn” và Y.C sẽ giúp chúng ta những kỹ thuật cần thiết để có thể cười được, là phương pháp làm giảm stress hiệu quả nhất, ít mất thời gian nhất nhưng lại mau chóng tạo được thói quen tốt về thể dục tinh thần giúp đem lại sự quân bình đồng thời cho cả thể chất, tâm hồn và cảm xúc… Nụ cười từ tâm trí, từ cơ thể của mình sẽ giúp quên đi những phiền muộn, đem lại những thư giãn cần thiết để phục hồi sức khỏe.
Câu lạc bộ Y.C tạo một sân chơi cho những ai muốn tập Y.C, một môi trường an toàn để mọi người có thể cười to mà không làm phiền đến người khác.
Cười giúp phụ nữ trẻ lâu
Đến Việt Nam, tôi khám phá được nhiều điều lý thú về một đất nước thanh bình, hiền hòa… Nhưng khi đi trên đường, tôi thấy nhiều người đi xe máy rất căng thẳng. Nếu như họ đã học Y.C, có lẽ những lúc chạy xe ấy, nụ cười sẽ nở trên môi họ và những căng thẳng sẽ không còn. Ở Việt Nam, tôi cũng được nghe một câu thành ngữ rất hay: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” – Dr Madam Kataria nói.


Thật vậy, Y.C là sự kết hợp hài hòa giữa những bài tập cười và bài tập thở của yoga. Khi cười sảng khoái, bạn sẽ hít vào luồng không khí nhiều và tốt nhất cho cơ thể, khi thở sẽ thải ra nhiều khí không có lợi cho sức khỏe. Khi cười phải cười thật to, thật sâu và phát ra từ cơ hoành. Nó phải là tiếng cười từ bụng và cười thật lớn, sẽ giúp bạn sảng khoái, thật sự như đang đứng trước biển hít thở không khí trong lành, giúp đem lại nhiều ôxy cho cơ thể và cho cả não bộ khiến ta cảm thấy năng động, phục hồi sức khỏe.
Cười cho ta một tâm trạng tốt, yêu đời và yêu người hơn. Tâm trạng vui vẻ, tạo không khí tốt đối với người xung quanh nơi làm việc cũng như giúp tạo ra những giải pháp tốt giải quyết những tình huống trong công việc, cuộc sống và gia đình.
Y.C giúp mọi người và nhất là phụ nữ giải tỏa stress, tốt cho sức khỏe, sống tích cực hơn; trông họ sẽ trẻ hơn tuổi thật, bởi lúc nào cũng tràn đầy năng lượng. Không có gì vui hơn khi có sức khỏe, yêu đời và yêu cuộc sống…
Những lợi ích của việc tập Yoga

Không ít bạn trẻ đã thử tập Yoga và khám phá rằng việc tập luyện Yoga đều đặn sẽ giúp chúng ta cảm thấy khỏe hơn. Nhưng liệu bạn đã biết hết những lợi ích cụ thể mà Yoga có thể mang lại cho bạn?
Tập Yoga đều đặn không chỉ tăng cường sức khỏe, giúp cơ thể linh hoạt và dẻo dai, cứng cáp hơn mà còn giúp bạn có được một tinh thần sảng khoái, giảm thiểu tối đa những căng thẳng mệt mỏi. Hãy cùng tìm hiểu những lợi ích của Yoga nhé!




Lợi ích cho cơ thể


1. Sự linh hoạt: Ép chặt cơ thể của bạn bằng những cách mới sẽ giúp cơ thể trở nên linh hoạt và dẻo dai hơn, mang tới những chuyển động tốt hơn cho các cơ và khớp xương. Qua các bài tập, các khớp vai, lưng, mông và gân kheo của bạn sẽ linh hoạt hơn rất nhiều.




Yoga khiến cơ thể bạn trở nên dẻo dai.


2. Sức bền: Rất nhiều tư thế Yoga đòi hỏi bạn đỡ cả cơ thể bằng nhiều cách mới mẻ, bao gồm cân bằng cơ thể trên 1 chân (tư thế Cây) hoặc đỡ cả cơ thể chỉ bằng cánh tay (tư thế Downward Facing Dog). Một số bài tập đòi hỏi bạn thực hiện các tư thế thật chậm rãi, điều này sẽ góp phần tăng sức bền cho bạn.




Tư thế Downward Facing Dog.


3. Trương lực cơ: Tập Yoga không chỉ giúp bạn khỏe và dẻo dai hơn, mà còn phát triển các cơ của bạn. Yoga sẽ tạo ra những bó cơ dài và chắc chắn, không còn mỡ thừa.


4. Tránh đau nhức: Việc cơ thể bạn dẻo dai và khỏe mạnh hơn sẽ giúp bạn tránh được đau nhức vai và lưng. Nhiều người thường bị đau lưng do ngồi quá lâu bên máy tính hoặc bàn học. Điều đó dẫn tới sự mệt mỏi căng thẳng và gây chèn ép các cơ xương. Bạn có thể khắc phục điều này với Yoga. Yoga sẽ giúp tăng sự liên kết trong và ngoài vùng lưng và các bộ phận dễ chấn thương trong cơ thể. Nhờ đó, bạn có thể tránh đau nhức các cơ thường gặp.




Tập luyện Yoga giảm thiểu những cơn đau lưng.


5. Nhịp thở đều đặn: Hầu hết chúng ta hít thở không sâu và không thực sự để tâm tới việc hít thở hàng ngày. Những bài tập hít thở của Yoga (được gọi là Pranayama) chú trọng đến việc thở và dạy chúng ta làm thế nào để sử dụng hai lá phổi hợp lý nhất. Điều này quan trọng hơn bạn vẫn nghĩ bởi nó sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể chúng ta. Một số cách thở cũng sẽ giúp thông mũi và điều hòa hệ thần kinh trung ương, rất có lợi cho cả cơ thể lẫn tinh thần của bạn.


Bài tập hít thở Pranayama.


Lợi ích tinh thần


1. Sự điềm tĩnh: Bài tập asana của Yoga ảnh hưởng mạnh tới thể chất. Tập trung một cách chăm chú vào việc cơ thể bạn đang làm gì sẽ có tác dụng mang tới sự điều hòa và điềm tĩnh cho trí óc chúng ta. Yoga cũng giới thiệu cho bạn những kỹ thuật thiền định như xem cách bạn có thể thoát khỏi ý nghĩ của bạn để làm dịu tâm trí.




Yoga giúp bạn điềm tĩnh hơn.


2. Giảm stress: Những hoạt động thể chất rất tốt cho việc giảm nhẹ stress và điều này rất đúng với Yoga. Bởi Yoga đòi hỏi sự tập trung cao độ, những muộn phiền hàng ngày dù to hay nhỏ dường như tan biến đi suốt thời gian bạn tập Yoga. Điều này là một sự nghỉ ngơi rất cần thiết giúp bạn tạm tránh xa khỏi những lo toan hàng ngày. Những bài tập Yoga nhấn mạnh rằng để giảm stress, bạn chỉ được tập trung vào chính khoảnh khắc đang diễn ra và phải quên đi mọi điều trong quá khứ hay không được suy nghĩ tới tương lai. Nhờ đó, sau khi rời khỏi lớp Yoga, rất nhiều người cảm thấy cuộc sống tươi đẹp hơn và họ như trút được gánh nặng và muộn phiền trong cuộc sống.




Yoga có thể giúp bạn giảm thiểu stress hàng ngày.


3. Ý thức của cơ thể: Tập luyện Yoga còn giúp bạn tăng ý thức về chính cơ thể của bạn. Bạn được thường xuyên thực hiện những chuyển động nhỏ và nhẹ nhàng để cải thiện sự liên kết các cơ. Qua thời gian, các bài tập sẽ tăng cường mức độ thoải mái với cơ thể của chính bạn. Điều này có thể dẫn tới những cách nhìn tích cực và tăng sự tự tin trong chính con người bạn.




Cơ thể bạn thoải mái hơn sau khi tập Yoga.


Yoga có nhiều lợi ích là thế, bạn còn suy nghĩ gì nữa mà không nhanh chân đăng ký một lớp học Yoga? Sẽ thú vị và mới mẻ lắm đấy!

Các qui tắc cho việc tập asana
1. Nên tắm hoặc tắm sơ (rửa mặt mũi, chân tay) trước khi tập asana.
2. Không tập asana ở ngoài trời bởi điều đó có thể khiến cơ thể phải hứng gió đột ngột và do vậy có thể cảm lạnh. Khi tập asana ở trong nhà, phải chú ý mở cửa sổ để không khí thông thoáng.

3. Không để khói bụi bay vào phòng. Càng ít khói bụi càng tốt
4. Nam nữ nên mặc đồ lót vừa vặn khi tập.
5. Nên tập asana trên một tấm thảm hoặc chiếu. Không nên tập asana trên nền đất trống bởi như vậy có thể bị cảm lạnh và những chất do cơ thể tiết xuất ra khi tập asana có thể bị phá huỷ.
6. Chỉ tập asana khi lỗ mũi trái hoặc cả hai lỗ mũi đều thông: không tập asana khi hơi thở chỉ qua lỗ mũi phải.
7. Nên ăn thức ăn tinh khiết (xem phần chế độ ăn uống).
8. Không cắt lông ở các khớp trên cơ thể.
9. Móng tay, móng chân phải được cắt ngắn.
10. Không tập asana khi bụng đầy. Chỉ tập asana từ hai tiếng rưỡi đến ba tiếng sau bữa ăn.
11. Sau khi tập asana phải xoa bóp kỹ chân, tay, và toàn bộ cơ thể, đặc biệt là các khớp.
12. Sau khi xoa bóp, nằm nguyên ở tư thế xác chết shavasana tối thiểu hai phút.
13. Sau khi thư giãn ở tư thế xác chết, không tiếp xúc ngay với nước trong vòng tối thiểu là 10 phút.
14. Sau khi tập asana, nên đi bộ ở nơi yên tĩnh một lúc.
15. Nếu phải đi ra ngoài sau khi tập asana khi nhiệt độ cơ thể chưa hạ xuống mức bình thường, hoặc nếu nhiệt độ trong phòng khác với nhiệt độ bên ngoài cần mặc quần áo cẩn thận khi ra ngoài. Nếu có thể, hãy hít sâu vào khi ở trong phòng và thở ra khi đi ra ngoài. Làm như vậy sẽ tránh được cảm lạnh.
16. Người tập asana có thể tập các môn thể thao khác, nhưng chỉ không nên tập ngay sau các asana.
17. Nếu bạn bị đau (cảm cúm...) không nên tập asana.
18. Trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc trong vòng một tháng sau khi sinh, phụ nữ không nên luyện tập asana cũng như các bài tập khác.


Yoga luyện mắt

Luyện mắt

Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...