Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Đi tìm nguồn gốc tội ác

Đi tìm nguồn gốc tội ác: Tâm lý sát thủ-góc nhìn của “Bao Công”
Bằng trực quan ai cũng hiểu rằng người phạm tội bột phát ít có sẵn bản chất côn đồ, lưu manh trong người.

Trên bình diện quốc tế, một số nhà tội phạm học dù chỉ quan tâm đến bản thân tội ác nhưng họ vẫn luôn tự đặt ra những câu hỏi về các vụ cướp, các vụ sát nhân, các tội phạm hình sự nghiêm trọng: Tại sao tội ác gia tăng liên tục nhiều năm qua?
Một số nhà tội phạm học khác thì hướng sự chú ý về phản ứng xã hội trước cái ác và họ đưa ra những cái nhìn phê phán đối với sự vận hành của hệ thống cảnh sát quốc gia, của tòa án, nhà tù và các biện pháp trừng phạt.
Nhưng tất cả họ hầu như đều thống nhất: Vấn đề trước hết phải bắt đầu từ khoa học xã hội, tâm lý học và kế tiếp mới là luật học. Các thẩm phán mà chúng tôi gặp cũng đang tiếp cận vấn đề như thế.
Tội phạm dã man vô nhân tính và bạo hành gia đình từ những nguyên nhân không đáng có và bột phát tức thì đang có xu hướng tăng nhanh.
Trong mắt các thẩm phán, những khoảnh khắc dẫn đến hành vi giết người cần phải được nhìn nhận thấu đáo về nhiều mặt, tinh thần luật pháp không chỉ là lạnh lùng trừng phạt...
Môi trường sống hay tâm lý xã hội?
Lý giải cho hiện tượng này ở góc độ tâm lý tội phạm học, thẩm phán Phạm Thao, Chánh án TAND quận 2 (TP.HCM), nói do môi trường sống hiện nay đang xuống cấp. Cụ thể với nhóm tội phạm vị thành niên thì cách giáo dục về tâm lý và tính cách còn thiếu.
Luật sư Cao Minh Triết, Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang, phân tích đây là dạng tội phạm bột phát, là hậu quả kiểu tự cao thái quá, muốn khẳng định cái tôi anh hùng nên sẵn sàng thể hiện. Đôi khi điều kiện sống không tốt lại nảy sinh tâm lý chán đời, hận đời, căm thù số phận, từ đó mà phạm tội. Luật sư Triết còn cho rằng bột phát phạm tội có khi chỉ để che đi khuyết điểm, sự yếu kém của bản thân về một phương diện nào đó. Có thể nó diễn ra với một tâm lý kéo dài hoặc chỉ trong một khoảnh khắc rất ngắn.
Cùng phân tích nhưng ở một góc độ khác, Chánh án TAND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Tùng và Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trương Xuân Tám nói xuất phát từ tâm lý xã hội. Theo hai ông, tâm lý tội phạm là một dạng của tâm lý xã hội cho nên nó mang mọi đặc điểm và phản ánh xã hội ấy. Xã hội hiện nay phát triển theo hướng đa chiều, phức tạp và có phần của bạo lực gia tăng nên tạo cho nhiều người lệch lạc trong ý thức. Đó là sự đè nén chịu đựng của người phạm tội trước một hiện tượng xã hội. Ví dụ như áp lực phải đỗ đạt của các gia đình sẽ gây ức chế cho người đi thi đại học. Nên khi thi rớt họ sẽ lo sợ và buồn tủi và có thể phạm pháp bất cứ lúc nào. Hay khủng hoảng kinh tế, công nhân thất nghiệp thì trong lúc nhậu mà không đủ tiền trả thì họ có thể dễ dàng giết chết bạn nhậu hoặc chủ quán vì tiền bạc...
Cho nên theo thẩm phán Tùng, xã hội phải tạo ra một hoàn cảnh mở thì mới hạn chế được tội phạm dạng này. Vì hoàn cảnh xã hội sinh ra tính cách con người và tính cách sinh ra hành động cụ thể. Tâm lý xã hội thay đổi cũng khiến tình cảm trong mối quan hệ gia đình bị biến dạng, đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình gia tăng.
Bổ sung cho ý này, luật sư Trương Xuân Tám dẫn chứng rằng mình đang tham gia bào chữa từ giai đoạn điều tra một vụ án giết vợ mà người chồng gây án chính là một công an viên. Chỉ vì bà mẹ vợ ép ký vào đơn ly hôn mà người công an này đã rút dao đâm chết vợ mình ngay trước mặt người nhà vợ. Sau đó, anh ta tự đâm mình để tự sát nhưng rất may được ngăn cản kịp thời nên cả người vợ và anh ta đều thoát chết.
Khơi những điều bị khuất lấp


Cuối năm 2008, vụ bé Hảo (Bình Phước) bị mẹ ruột hành hạ dã man nổ ra, dư luận hết sức phẫn nộ. Ngay sau đó, tòa án xét xử và tuyên phạt người mẹ Nguyễn Thị Mỳ hai năm tù giam.
Một lần nữa, dư luận lại dậy sóng vì cho rằng hình phạt đó là quá nhẹ, không phản ánh đúng tính chất dã man của vụ việc. Tuy nhiên, về góc độ tâm lý tội phạm thì chủ tọa phiên tòa này, Phó Chánh án TAND huyện Phước Long Nguyễn Thị Hồng, lại có một cách nhìn nhận khác.
Theo thẩm phán Hồng, hành vi ấy của Mỳ chưa hẳn là dã man như mọi người nghĩ và mức án ấy là hợp lý và có tính nhân đạo theo đúng tinh thần của pháp luật. Có một sự ấu trĩ lớn về nhận thức ngay trong lúc Mỳ thực hiện việc cắt tay chân con mình. Đó là sự thiếu hiểu biết về kiến thức sống và pháp luật. Cạnh đó là tâm lý bức bối vì cuộc sống hiện tại quá khó khăn và ý thức làm cho hả dạ, hả cơn tức. Khi bị bắt giam thì lương tri người mẹ tỉnh ngộ, thực sự hối hận nhưng đã muộn màng. Tại tòa, Mỳ tỏ ra yếu ớt chối tội nhưng đó không phải là bản chất cứng đầu của Mỳ mà là tâm lý quá hoảng sợ.
Luật sư Lê Thành Kính, Đoàn luật sư TP.HCM, nhận xét: Tội phạm bột phát có những diễn biến và trạng thái tâm lý riêng, khác hẳn với nhóm tội phạm có tổ chức. Vì thế, khi áp dụng các biện pháp trừng phạt thì nên tìm hiểu kỹ gốc tích vấn đề để cho họ một con đường mở. Luật sư Kính kể có lần ông bào chữa cho thân chủ là một sinh viên trường luật vừa trúng tuyển vào ngành kiểm sát, phạm tội giết người. Bị cáo này ở nhờ nhà bác ruột và trong một lần cãi vã đã cầm dao đâm chết con của bác. Hành vi ấy của bị cáo là không thể tha thứ nhưng ít ai biết được nguyên nhân sâu xa của việc làm trên là do bị cáo bị ức chế, dồn nén. Những mâu thuẫn giữa bị cáo và gia đình người bác đã tồn tại từ lâu, lần gây án là một lần bột phát.
Khâu điều tra: Chưa quan tâm tâm lý tội phạm
Các chuyên gia hình sự trong khuôn khổ bài viết này đều cho rằng không nên đánh đồng những hành vi tội phạm có tổ chức và những hành vi bột phát tức thời. Bằng trực quan ai cũng hiểu rằng người phạm tội bột phát ít có sẵn bản chất côn đồ, lưu manh trong người.
Về khía cạnh này, thẩm phán Nguyễn Thanh Tùng cho rằng: Ở mỗi khâu của tố tụng, ngoài chuyên môn thì người cán bộ cần có một kiến thức nền về tâm lý học tội phạm. Kiến thức này đủ để họ nắm bắt và cảm nhận được nguyên nhân của từng trường hợp và vụ án cụ thể để đồng cảm với họ để họ không bị rơi vào trạng thái vô cảm.
Nhưng theo luật sư Trương Xuân Tám thì hiện nay vấn đề này dường như chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở giai đoạn điều tra. Luật sư Tám đề xuất là nên có những buổi tập huấn riêng về tâm lý tội phạm cho các cán bộ tố tụng vì hiện nay chưa có.

Tâm sự người xử vụ “mẹ cắt gân con”
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chánh án TAND huyện Phước Long (Bình Phước), kể: Trước phiên tòa, chúng tôi dự trù sẽ phạt Nguyễn Thị Mỳ từ ba đến bốn năm tù nhưng sau khi phân tích toàn bộ các tình tiết thì quyết định phạt hai năm.
Ngay sau phiên xử, tôi đã nán lại gặp trực tiếp Mỳ để khơi cho bằng được một điều mà nhiều người thắc mắc là vì sao lại “ăn thịt” chính con ruột mình, bé Hảo. Tôi rất bất ngờ khi Mỳ nói thật rằng: “Tôi nghĩ con mình mình có quyền trừng trị chứ ai bắt tội được”.
Hóa ra Mỳ đã tự cho mình quyền hành hạ con. Hơn 26 năm hành nghề thẩm phán chuyên xét xử hình sự, tôi luôn tin vào cảm nhận trực quan khi đối diện với các bị cáo để cân nhắc, xem xét từng trường hợp cụ thể có thể vận dụng pháp luật giảm nhẹ cho họ một phần hình phạt. Vì thế, nếu người ta bảo có niềm tin nội tâm thì cũng là dễ hiểu, nhờ đó mà những điều khuất lấp trong con người bị cáo được thể hiện.
Giận chồng, giết con
Ngày 17-3-2009, TAND TP Hà Nội xét xử Vũ Thị Gái (xã Tiền Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) về tội giết người. Trước đó, ngày 12-7-2008, anh Tặc dùng tay tát vào mặt vợ là Gái khi thấy vợ mình dám cãi mẹ. Đánh xong, anh Tặc bỏ đi học. Giận chồng lâu nay không quan tâm đến mình nên Gái mua kem và bánh mì cho con gái chưa đầy hai tuổi ăn, rồi vơ con dao đâm thẳng vào ngực con. Sau đó, Gái quay dao tự đâm vào bụng mình một nhát rồi lại đâm liên tiếp sáu nhát vào bụng bé. Gái được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng cháu bé thì đã chết.
Sau buổi thi, dùng kiếm truy sát bạn
Sáng 5-5-2009, sau khi kết thúc thi môn văn, về nhà học sinh Phạm Văn Chinh, lớp 12A1, Trường THPT Đào Duy Từ (Đồng Hới) báo với gia đình em bị bạn cùng phòng thi dọa đánh vì không cho bạn nhìn bài.
Ngay đầu buổi chiều thi môn vật lý và địa lý, ông Nguyễn Văn Phương, cậu ruột của Chinh, đến trường và báo sự việc với cô hiệu phó Nguyễn Thị Liêm.
Sau khi báo xong, ông vừa ra tới cổng trường thì thấy một học sinh đang lao vào đánh tới tấp bằng tay, bằng côn nhị khúc và rút kiếm đuổi chém Chinh. Em Chinh được người nhà cấp tốc đưa đến Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba (Đồng Hới) trong tình trạng hôn mê, đầu bị sưng tấy và mặt mày thâm tím.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...