- “Kể chuyện người cộng sản”- Bài hát về Hải Phòng những năm 30
- Mùa xuân trên cửa biển Hải Phòng
- “16” là chúng tôi, là Hải Phòng, là riêng biệt...
- Yêu Hải Phòng hơn khi nghe “Về miền sóng, về miền gió”
- Hoàng hôn trên sông Cấm…
- Hải Phòng - 3.068 cây phượng trên một con đường
- Tôi là người Hải Phòng
- "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở ..."
- Thành phố vào thu
- Không phải người Hải Phòng, nhưng tôi yêu Hải Phòng
- Hải Phòng - những mùa hạ không quên
- Bản giao hưởng cách mạng
- Tự hào về Hải Phòng nhiều lắm
- Sẽ về thăm quê
- Sức bật của thành phố hoa phượng đỏ
- Nhớ Hải Phòng, nhớ tuổi thơ...
- Tình tự với dòng Đa Độ
- Thành phố Thiên nga lửa
- Hải Phòng - mùa hoa phượng
- Thành phố biển yêu thương
Posted: 03 Feb 2012 10:19 PM PST Bài hát "Kể chuyện người cộng sản" - sáng tác của cố nhạc sĩ Trần Hoàn, được một lớp thính giả gọi là bài hát về Hải Phòng những năm 30, gắn với sự hy sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - một trong những người cộng sản đầu tiên sáng lập Đảng ta. Địa danh bờ làng sông Cấm canh khuya chưa tàn đèn được nhắc đến trong mạch câu chuyện cảm động vì còn có muôn nghìn người đang khóc, tiếc thương người cộng sản trẻ tuổi đã ngã xuống vì nụ cười cho muôn kiếp cần lao. Hợp xướng "Kể chuyện người cộng sản" - được Trần Hoàn sáng tác năm 1960. Ít ai biết lời bài hát là của Anh Việt- Hồ An có tên trong Kỷ yếu Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng. Và đó là những ca từ đặc biệt bởi độ dài của các tầng con chữ làm nổi bật sự gắn kết giữa quá trình hoạt động cách mạng của người cộng sản Nguyễn Đức Cảnh và nhân dân Hải Phòng theo kết cấu mở: Từ tăm tối đến bừng sáng, từ đơn lẻ đến lớp lớp sóng trào tinh thần cách mạng. Một số lời trích sau đây cho thấy tinh thần ấy. Ở lời 1, Anh Việt- Hồ An viết: "Từ thuở ấy đất nước còn điêu tàn/ Nhân dân bị xéo giày trong tù đày, trong ngục tối/ Ngày và đêm trên đôi vai trĩu xiềng gông. Đời như chẳng còn nguồn sống, tàn lụi xuống". Trong bối cảnh ấy, "Người đồng chí hy sinh cả đời mình. Từ trong lớp thợ thuyền đi theo Đảng, theo dân". Lời 2 là kể tiếp Hải Phòng từ khi đồng chí Nguyễn Đức Cảnh về hoạt động: "Rồi từ ấy, xóm vắng và quê nghèo/ Đêm đêm lần đi về trong lòng người gieo hạt giống/ Ngùn ngụt cháy trong tim của người dân từ lâu oán thù chồng chất ngọn lửa hờn uất./ Cùng toàn dân đinh ninh một lời thề/. Vùng lên để diệt thù anh dẫn đầu tiên phong/. Giành cuộc sống trong tay lũ bạo cường về với lớp thợ thuyền, với dân cày bốn phương...". Lời 3 và lời 4 kể về tinh thần dũng cảm và ảnh hưởng lớn lao từ cái chết của người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Đức Cảnh trên vùng cửa biển Hải Phòng: "Rồi một sớm, phố xá lặng u buồn/ Tin anh lọt tay giặc mang tù đày trong ngục tối/ Người đồng chí qua bao giông tố đòn tra còn hơi sức những ngày cuối anh còn tranh đấu/ Vừng hồng lên sương đêm chưa chịu tan/ Người chiến sĩ từ trần vì lũ giặc/ Bờ làng sông Cấm canh khuya chưa tàn đèn vì còn có muôn nghìn người đang khóc tiếc thương người/ Hôm nay Hải Phòng đang nhộn nhịp xây cuộc sống/ Một mùa xuân reo vang trên bến tàu vui rọi tươi những thôn cày cấy chan hòa nhà máy/ Người đồng chí hy sinh cả đời mình cho đời sau...". Để phù hợp với câu chuyện kể, nhạc sĩ Trần Hoàn đã làm chuyển động lớp lớp ca từ trên bằng giai điệu âm nhạc chậm vừa, tha thiết. Giọng nhạc giàu chất tự sự tạo nên một tác phẩm giàu hình ảnh trong sáng, tươi vui, tràn đầy lạc quan… Dưới hình thức hợp xướng, "Kể chuyện người cộng sản" đã khái quát lên hình tượng những người cộng sản dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng, cho nhân dân thoát khỏi xiềng gông áp bức của quân xâm lược. Đồng thời cho thấy sức sống của những hạt giống đỏ mà người cộng sản gieo trồng bằng xương máu cho cuộc sống hôm nay. Trong những thập kỷ trước, "Kể chuyện người cộng sản" được vang lên nhiều lần trên sân khấu ca nhạc thành phố những ngày lễ lớn. Album "Về thăm thành phố Hải Phòng" của nhạc sĩ Trần Hoàn cũng có bài này. Cũng như Hải Phòng, bờ làng sông Cấm nay đã khác xưa. Nhưng, mỗi dịp kỷ niệm mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước, nghe lại " Kể chuyện người cộng sản" càng nhớ hơn, trân trọng hơn Trần Hoàn - người nhạc sĩ luôn đồng hành với từng giai đoạn lịch sử bằng những ca khúc thể hiện phong cách riêng cũng như tâm hồn người văn nghệ xung kích của ông, trong đó câu chuyện âm nhạc về người cộng sản Nguyễn Đức Cảnh mà ông để lại luôn có giá trị giáo dục truyền thống sâu sắc. Ngọc Anh |
Posted: 03 Feb 2012 10:19 PM PST Bây giờ, tuổi đã quá lục tuần, nhưng cứ mỗi mùa xuân đến, lòng tôi không sao nén được bồi hồi khi nhớ về những mùa xuân ký ức mà tôi đã được chào đón ở cửa biển Hải Phòng quê hương tôi. Còn vẹn nguyên trong tôi, mùa xuân Ất Mùi 1955. Mùa xuân ấy, cả miền Bắc Việt Nam từ Lạng Sơn cho đến vĩ tuyến 17 tưng bừng đón mùa xuân lập lại hòa bình đầu tiên ở miền Bắc. Chỉ còn riêng cửa biển Hải Phòng vẫn thuộc vùng 300 ngày, trước khi Pháp rút quân hoàn toàn khỏi nước ta. Tết đó, mẹ đan cho tôi một chiếc áo len mới màu cà phê sữa. Tôi tung tăng cùng mẹ đi chúc Tết những người thân. Giữa tiếng pháo đì đoàng mồng một, hai mẹ con xuất hành trong làn nắng xuân nhè nhẹ. Và gió xuân cũng phớt nhẹ trên má ấu thơ. Đến nhà nào, tôi cũng được mừng tuổi một phong bao đỏ sẫm, rồi mứt, kẹo và đặc biệt là những quả nho khô nhỏ như cái cúc màu nâu. Mẹ tôi và các bạn thầm thì với nhau những điều gì, tôi không sao nghe rõ. Nhưng khi chiếc xích lô đưa mẹ con tôi đi qua chợ Cột Đèn, tôi nhìn thấy toán lính Tây mặt đỏ gay, xì xồ đi ngược chiều. Tôi hơi sờ sợ nép chặt vào mẹ. Mẹ nói thầm: "Đừng sợ, con trai. Rồi con sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy cảnh này nữa". Về nhà, tôi đem nho khô ra mừng tuổi lại hai đứa em gái. Có lẽ đấy là những quả nho khô cuối cùng mà một thời gian đằng đẵng mấy chục năm sau, tôi không khi nào nhìn thấy nữa. Đêm tân xuân, cả nhà xúm quanh chiếc bàn rộng, bình hoa ở giữa vút lên những cành hoa rơn kiêu hãnh. Anh trai tôi ôm đàn guitar dạo một khúc nhẹ nhàng như hơi thở, còn chị tôi thì cất giọng nữ cao trong trẻo: "Thiên thai-chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian - có một mùa đào ròng ngày tháng - chưa tàn qua một lần...". Ấn tượng mùa xuân trên cửa biển Hải Phòng là sum họp gia đình và âm nhạc. Anh tôi hát tiếp một giai điệu khác: "Hôm qua trời xuân bao tươi thắm - quy gót phiêu linh về quê nhà...". Khi ấy, tôi đâu biết những giai điệu mùa xuân đó đều là của những nhạc sỹ nổi tiếng như Văn Cao, Hoàng Qúy. Và hơn nữa, các ông đều là người Hải Phòng. Xuân về trên thành phố cảng Hải Phòng Năm năm sau, mùa xuân Canh Tý 1960, trước đấy vài tháng, các anh chị tôi đều học đại học ở Hà Nội. Gần tết, tôi thấy mẹ cứ ra vào mong ngóng. Thế rồi như luồng gió xuân, các anh chị tôi hiện ra trước cửa nhà, tươi cười hớn hở. Tôi kịp thấy mẹ tôi quay đi lau nước mắt. Cả nhà lại chuyện trò rôm rả như pháo rang. Đêm tân xuân như thường lệ, cả nhà quây quần nghe hát. Nhưng lần này, không phải là những giai điệu của các nhạc sỹ, mà của chính anh tôi sáng tác: "Khi mùa xuân về - lòng ai đi xa mà không nhớ đến quê nhà - khi mùa xuân đến - lòng người mẹ hiền bồi hồi chờ con về...". Các anh chị tôi còn hợp ca một sáng tác nữa của anh tôi mang tên "Mùa xuân đi khai hoang": "Mùa xuân đi khai hoang - lòng ta vui hân hoan - bầy chim như thúc dục ta cất bước ... có những chiều bên nương tay nhanh tay cấy cầy - Có những chiều mồ hôi ướt đầm hai vai áo...". Tôi nghe mà mê mẩn, cứ nép vào chị tôi mà sung sướng như được đón nhận một món quà Tết không có gì thay thế được. Năm năm sau nữa, mùa xuân Ất Tỵ 1965. Các anh chị tôi đã ra trường, mỗi người công tác một nơi. Nhưng đến Tết thì lại cùng nhau trở về căn nhà ấm cúng. Năm ấy, tôi đã là thanh niên. Sau nhiều năm toàn mặc đồ sửa lại từ các anh, mẹ đã may cho tôi một bộ cánh mới và đan cho một chiếc áo len gai. Tôi ra đường đón giao thừa cùng bạn bè rồi trở về xông nhà trong tiếng pháo đón năm mới. Đó là năm sum họp cuối cùng của gia đình tôi, cũng như nhiều gia đình ở Việt Nam. Chiến tranh lại ập vào Tổ quốc nhỏ bé và đau thương này. Tôi tham gia văn nghệ nhà trường. Chúng tôi hát một hợp xướng mới của Hoàng Vân có tên "Thành phố chúng ta - Nhà máy chúng ta". Nghe và học hợp xướng, tôi mới thấy mùa xuân trên cửa biển Hải Phòng là mùa xuân của một thành phố công nghiệp với những nhịp điệu lao động độc đáo: "Trên sông Cấm khi sương tan - đàn cò trắng bay sang sông - là khi chúng ta mừng vui đón xuân sang - con chim én đưa tin vui - bay đi khắp quê hương ta - báo tin kế hoạch đã hoàn thành...". Sau này, nhà thơ Thanh Tùng mới giải thích cho tôi cái nhịp điệu của hợp xướng chính là nhịp búa tàu. Khi ấy, nhà thơ làm công nhân ở xưởng tàu 3 - xưởng đóng tàu có nhiệm vụ bí mật đóng những con tàu cho đoàn tàu không số âm thầm chở vũ khí từ Hải Phòng vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Những năm chiến tranh liên miên. Hải Phòng trở thành tâm điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Hải Phòng hầm hập một tinh thần chiến đấu như câu thơ Đào Nguyễn (NSND Đào Trọng Khánh): "Hải Phòng như một con tàu chở đầy thuốc nổ - Đi qua số phận mỗi con người"... Gia đình tôi sơ tán sang khu hang đá Minh Tân - Thủy Nguyên. Tôi đi học đại học, cũng sơ tán mãi Cẩm Khê - Phú Thọ. Có năm được về ăn Tết thì chỉ đi về tới Hà Nội, ăn Tết cùng các anh các chị. Những năm ăn tết xa cửa biển Hải Phòng đã để lại trong tôi một nỗi trống vắng khủng khiếp. Cái trống vắng gặm nhấm tuổi thanh xuân đến ứa máu. Mùa xuân năm Canh Tuất 1970, sau năm năm cách trở, gia đình tôi mới lại có dịp sum vầy ăn Tết ở cửa biển Hải Phòng. Năm ấy, anh tôi lại sáng tác bài hát mới: "Đào hé môi cười - vẫy chào mùa xuân đến rồi - từ xa mấy cách chim trời - về với gió xuân biển khơi - ơi cửa biển nhớ thương ơi - ơi thành phố mến yêu ơi - mùa xuân mang bao ước mong - mùa xuân mang bao khát khao lòng ta...". Cha mẹ tôi đã già hơn nhiều. Các em tôi, cả những đứa sinh từ ngày giải phóng cũng đã lớn khôn lên cùng thành phố qua bao thử thách khốc liệt của bon đạn chiến tranh. Lòng người đã rắn lại qua thời gian. Nhưng mùa xuân, mùa xuân không cưỡng được thì vẫn trào dâng dập dềnh trên cửa biển Hải Phòng, trên bến cảng quê hương tôi. Yêu sao nhạc sỹ Hồ Bắc khi ông đã mang hết tâm hồn mình để lại cho đất Cảng "Trung dũng, kiên cường" một giai điệu mùa xuân với nhịp điệu bến cảng Hải Phòng không thể lẫn vào bất cứ một bến cảng nào khác trong nước và thế giới: "Khi xuân sang - trên bến cảng - đàn hải âu tung cánh bay rợp trời - cảng của ta vui đón bao chuyến hàng - những chuyến hàng bè bạn đi khắp nơi - những chuyến hàng Việt Nam gửi đi muôn nơi...". Cả một thời gian dài với nhiều mùa xuân chiến tranh đã được nhạc sỹ cô động vào đó hoạt động sôi nổi của một bến cảng anh dũng và kiên cường: "Tuổi thanh xuân thiết tha trên bến cảng - ta đánh Mỹ nơi đây bao ngày đêm - ta bám biển - ta bám bờ - cho những con tàu mau rời sang bến mới - cho những chuyến hàng đi dựng xây đất nước...". Hình ảnh của những người công nhân bến cảng đã được tác giả tạc lên bằng âm thanh đầy ấn tượng:"Ơi cô gái - lái xe trên cảng - xe em bon nhanh và tóc em bay trên sóng biển quê hương - anh công nhân bốc xếp - vai mang bao tấn thép như dũng sĩ biển Đông vai sắt chân đồng...". Nhờ những nỗ lực này, cửa biển Hải Phòng luôn đón những mùa xuân mênh mạng niềm vui và tình yêu:"Cảng thân yêu ơi! Miền quê hương ta ơi! Tổ quốc đã trao cho cuộc đời hôm nay - đầy sức sống tin yêu vì một ngày mai - mùa xuân - vang vang tiếng hát - trên bến cảng quê ta trung dũng kiên cường - có những người công nhân bất khuất anh hùng - biển ơi ta hát - hát lên - vì ngày mai". Tôi vào bộ đội, đi chiến trường bao năm. Những mùa xuân thống nhất trở về. Giai điệu bài hát đã thấm vào tôi qua những thăng trầm cuộc đời, khiến cho mùa xuân riêng tư của gia đình hòa quyện vào mùa xuân của thành phố Cảng luôn thôi thúc trong tôi những cảm xúc dạt dào. Càng ngày, tôi càng thấm thía, càng chia sẻ với thành phố quê hương mà nhà nhà thơ Đào Nguyễn từng viết: "Thành phố ăn nằm với biển - đẻ ra lớp lớp cần lao". Đúng vậy, Mùa xuân trên cửa biển Hải Phòng là mùa xuân của lớp lớp cần lao, luôn mang hết sức lực của mình dâng hiến, xây dựng cho thành phố ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Năm nào mùa Xuân, tôi cũng về Hải Phòng. Ngoài những bận rộn gia đình, bạn bè, trước khi rời thành phố, tôi cũng muốn lướt qua con đường cổng cảng một lần, như để gửi gắm vào đất một tin yêu, một trân trọng với những con người cần lao mà nhờ họ, thành phố quê hương đã có một cái tên "thành phố Cảng", con người quê hương mới có tên là "dân đất Cảng" đầy tính cách chân thành và thô tháp đáng mến phục. Nguyễn Thụy Kha |
Posted: 03 Feb 2012 10:18 PM PST Cả nhóm tôi, 7 đứa rủ nhau đi Ao Vua vào ngày nghỉ cuối tuần. Chiếc xe của tôi "lọt thỏm" trong bao cỗ máy đời mới của lũ bạn. Trong tiếng động cơ ầm ầm, bao chiếc xe vượt qua tôi trong cái ngột ngạt của đường phố Hà Nội. Những con số loang loáng trước mắt tôi 30, 89, 90... Không ai biết tôi đang tự hào về "cục sắt" của mình. Tự hào vì một chi tiết nhỏ nhoi gắn phía đèn sau của xe. Đó là thứ duy nhất mà dòng người lướt qua tôi nhận ra chủ nhân của nó - tôi - người Hải Phòng. Tôi luôn giữ một niềm tự hào tưởng như thật "trẻ con" như thế. Chiếc xe "cà tàng" gắn bó với tôi suốt thời sinh viên. Theo tôi đi nhiều ngõ ngách của đường phố Hà Nội. Bao cuộc hẹn hò của lũ bạn ham chơi. Ở bất cứ đâu, đi trên con phố nào, tôi cũng ngẩng cao đầu, tưởng tượng ra trong ánh mắt những người đang nhìn tôi có tiếng nói, Hải Phòng đấy. Họ nhận ra tôi là người Hải Phòng qua tấm biển xe, qua số 16 giản dị. Đi xa, những người con của Hải Phòng chúng tôi luôn giữ niềm kiêu hãnh về một sự khác biệt như thế. Niềm kiêu hãnh gắn chặt với số 16 trên biển số xe. Con số ấy mang theo cùng chúng tôi cái mặn mòi của thành phố biển, giúp chúng tôi cứng cáp hơn, rắn rỏi hơn khi đang sống, học tập và làm việc ở nơi xa quê hương mình. Tấm biển xe tạo cho chúng tôi một nét riêng biệt khó lẫn. Rồi tự nhiên, chúng tôi cũng tạo thành một phản xạ dõi theo khi bất chợt nhận ra những chiếc xe biển 16 đang vụt qua trên phố. Trong lòng thầm reo lên như muốn thông báo với tất cả mọi người rằng - đó là Hải Phòng của tôi đấy. Rồi mỗi lần đứng trước ngã tư đèn đỏ, những buổi tắc đường như "cơm bữa" trên đất Thủ đô, chúng tôi đều không quên đưa mắt tìm một "đồng hương 16". Tự hào hơn, bớt cô đơn hơn và giảm hẳn cảm giác ngột ngạt, bực bội khi kẹt trong đám khói xe, xăng dầu, bụi bặm. Những tấm biển 16 và người Hải Phòng cùng có mặt với chúng tôi ở khắp mọi nơi. Những tấm biển xe đơn sơ giúp chúng tôi như thấy quê hương mình, thấy sắc hoa phượng đỏ, thấy biển Đồ Sơn quanh năm sóng vỗ... Càng đi xa, càng thấy yêu, thấy nhớ, thấy trân trọng hơn quê hương hai tiếng Hải Phòng. Dẫu chỉ qua cái biển số xe nhỏ nhoi trên dòng người tấp nập. Thấy trìu mến, gần gũi. 16 chỉ là một con số trong dãy số tự nhiên. Bình thường lắm. Nhưng gắn với Hải Phòng, để nhận ra đó là Hải Phòng thì thật thiêng liêng. 16 không lẫn trong nhóm số thấp - cao. 16 là chúng tôi, là Hải Phòng, là riêng biệt. Tôi thầm cảm ơn ai đó đã đặt biển hiệu cho những chiếc xe của các địa phương. Nhờ đó mà mọi người biết 16 là thành phố của tôi. 16 không lẫn với bất cứ nơi nào. Có thể với ai đó, tấm biển số xe kia chỉ là sự hoàn thành một thủ tục theo quy định, để làm một cái đăng ký, hay đơn giản chỉ để người ta ghi vé vào bãi gửi xe. Nhưng với tôi, 16 là quê hương, là nỗi nhớ, là niềm tự hào khó tả khi đang lướt đi giữa những tấm biển khác số trên đất Thủ đô hay bất cứ nơi nào khác... Nguyễn Lưu |
Posted: 03 Feb 2012 10:18 PM PST Lần đầu tôi được nghe bài hát này năm 2001, cảm xúc thật khó diễn tả. Vừa da diết, vừa cồn cào, vừa thấy nhớ thương, dù tôi sinh ra ở Hải Phòng và vẫn đang sinh sống, làm việc tại Hải Phòng. Tiết mục biểu diễn của tốp học sinh nam Trường Trung học Văn hoá nghệ thuật thành phố với bài hát của nhạc sĩ Phạm Văn Hanh (Hội Nhạc sĩ Hải Phòng) vang lên trong một hội diễn văn nghệ quần chúng cách đây 10 năm, cũng là năm nhạc sĩ sáng tác bài hát này hưởng ứng cuộc thi sáng tác ca khúc về Hải Phòng trong thời kỳ mới (phát động tháng 4-2000). Ca khúc được trao giải nhất của cuộc thi. Vượt qua 105 tác phẩm của 71 tác giả tại 10 tỉnh, thành phố (trong đó Hà Nội và Hải Phòng là hai địa phương có nhiều tác phẩm tham gia nhất). Sau vòng sơ khảo, 20 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Chỉ có 9 tác phẩm được trao giải, đều nằm trong 3 dòng nhạc thính phòng, dân gian và phổ thông. Cùng với giải nhất của nhạc sĩ Phạm Văn Hanh cho "Về miền sóng, về miền gió", còn có 2 giải nhì, 4 giải ba và 2 giải khuyến khích được trao cho các tác giả với những ca khúc nổi bật. Tuy nhiên, đọng lại trong lòng công chúng yêu nhạc và người Hải Phòng vẫn là những giai điệu xen giữa trữ tình và dữ dội đúng chất miền biển trong bài hát của nhạc sĩ Phạm Văn Hanh. Hải Phòng - miền đất của sóng và gió "Anh đưa em về một miền sóng, anh đưa em về một miền gió. Một miền sóng miền biển khơi, một trời gió lộng. Một miền trắng, một miền xanh, một thành phố xanh…" – Những ca từ mở đầu bài hát dịu dàng, da diết như lời tâm tình của một chàng trai đất Cảng đang thủ thỉ với người yêu về quê hương mình. Vùng quê ấy ngập tràn sóng, gió. Tưởng dữ dằn, khô khan nhưng lại thật nhẹ nhàng và sâu sắc. Ẩn trong ca từ của bài hát, nhạc sĩ khéo léo mượn lời chàng trai kể về huyền thoại mở đất của Nữ tướng Lê Chân khai sinh ra vùng đất An Biên xưa để có một Hải Phòng ngày nay. Bài hát của nhạc sĩ Phạm Văn Hanh với hai dòng cảm xúc khác biệt giữa đoạn nhạc đầu và điệp khúc. Đúng như chất của biển khơi khi dữ dằn khi dịu dàng tha thiết. Phải yêu Hải Phòng, hiểu Hải Phòng lắm mới có thể gợi tả không gian sóng, gió của miền đất này một các đặc biệt như thế. Vì những gì mà nhạc sĩ thể hiện trong bài hát, trong từng ca từ, nốt nhạc đều đúng như tố chất của người Hải Phòng, thật thà, chất phác."Dữ dội và dịu êm/Ồn ào và lặng lẽ" – hai câu thơ trong bài "Sóng" của nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng đã tả hai mặt trái của sóng, của biển. Trong bài hát của Phạm Văn Hanh, những nốt nhạc quyện với ca từ lột tả thành công hai tố chất hoàn toàn đối nghịch nhau của "một miền sóng, một miền gió". Đó chính là Hải Phòng. Cũng vì thế, người ta thường ví người Hải Phòng là "ăn sóng, nói gió". Nhưng đừng nghĩ đó là dữ dằn, là thô kệch. Ẩn sau lớp sóng ấy lại là những lời thì thầm thật tha thiết dịu êm. Nhạc sĩ lý giải rằng, sóng gió cũng chính là biểu hiện tình yêu của biển. Có sóng, có gió thì mỗi lúc ra khơi mới lại thấy nỗi nhớ càng mênh mông. "Sóng đấy gió đấy, có nghe chăng biển hát. Nắng cháy bão tố, những ngày rực lửa. Sóng đấy gió đấy, như tình yêu một thuở. Một thuở nồng say, một thuở thơ ngây… Thương lắm, nhớ lắm, ta hẹn nhau cùng về. Về miền sóng miền gió, về Hải Phòng thương yêu." Càng nghe những giai điệu lúc nhẹ nhàng lúc sôi nổi của bài hát này, lại càng thấy như cái chất mặn mòi của biển ẩn sâu trong từng mạch máu của người dân miền sóng, miền gió. Để lại càng thấy yêu Hải Phòng hơn. Như tâm trạng của nhiều người Hải Phòng chia sẻ trên các diễn đàn internet khi nghe bài hát này. Và những người không sinh ra trên vùng đất này cũng sẽ yêu hơn tính cách dữ dội và dịu êm của những người con miền biển. Khánh Xuân |
Posted: 03 Feb 2012 10:18 PM PST Ừ chẳng biết, Hải Phòng mưa hay nắng gió có còn, phảng phất mầu thu phai nắng còn vương, mái tóc trâm cài hoa còn nở, trên mầu môi em phượng đỏ… Hoa còn nở? Trên mầu môi em phượng đỏ… Lại ngồi nghe, bàn nhạc về quê cũ nơi con đò, bập bềnh Cấm em sang Ôi ai bảo tôi, kiếp lang thang nên chốn cũ, vẫn là nơi mơ về, trong những đêm bồng bềnh nhớ... Ai đưa tôi, qua bên sông Cấm nhở? có phải bây giờ, đò đã cấm người sang bến ấy xưa, chỉ còn mầu tan hoang để hoàng hôn, còn một mình bên sông Cấm… Hoàng hôn bên sông Cấm Hãy trả tôi về, với người tôi thương tên Gấm để tôi về, với lại Thuỷ Nguyên xưa tôi là Nhung, người qua đò dưới mưa vẫn nhớ Gấm, cô chèo thuyền ngang sông chiều Cấm ấy... Hoàng Nguyên |
Posted: 03 Feb 2012 10:17 PM PST Mùa hạ chói chang nắng vàng đã qua từ lâu, và ngay cả mùa thu nhẹ nhàng mát dịu cũng sắp nhường chỗ cho một mùa đông lạnh giá ẩm ướt sẽ đến, nhưng vào những ngày này, loài hoa phượng "đỏ rực chiều hè" phố biển Hải Phòng vẫn còn được nhắc tới trong một sự kiện rất mới mẻ: Sách Kỷ lục Việt Nam, hôm 27-10-2011 đã chính thức công bố tuyến đường Phạm Văn Đồng, dài 20km, nối nội thành Hải Phòng với khu du lịch Đồ Sơn là tuyến đường trồng nhiều hoa phượng nhất Việt Nam! Sau khi đo đạc, kiểm tra, Ban biên tập cuốn sách kỷ lục này đã đếm được 3.068 cây phượng được trồng trên đường Phạm Văn Đồng. Cùng với 2 kỷ lục "ăn được" là nồi bánh đa cua và chiếc chả nem cua bể lớn nhất đất Việt, con đường hoa phượng Phạm Văn Đồng tạo thêm cho người dân Hải Phòng một niềm tự hào không thể che giấu! Thế là từ đây, "đường 14" xưa kia, từng gắn với bao kỷ niệm thân thương của rất nhiều thế hệ người Hải Phòng đã chính thức xếp vào hàng "vua biết mặt, chúa biết tên". Đường Phạm Văn Đồng chính thức được xác lập kỷ lục "con đường trồng nhiều hoa phượng nhất Việt Nam" vào ngày 27/10/2011 Con đường Phạm Văn Đồng được "phượng hóa" nằm trong nỗ lực của Hải Phòng nhằm chuẩn bị cho "Năm du lịch quốc gia - 2013", sẽ được tổ chức tại đây. Điểm nhấn quan trọng nhất của nó chính là đề xuất về việc tổ chức một "LỄ HỘI HOA PHƯỢNG" mà cách đây ít lâu, phóng viên Lệ Trang (báo Diễn đàn doanh nghiệp) đã đề cập trong loạt bài: "Lễ hội hoa phượng cho Hải Phòng – tại sao không?". Loạt bài này cũng đã được thành phố thống nhất trao giải tác phẩm báo chí viết về đề tài Du lịch Hải Phòng – 2011. Con đường hoa phượng Phạm Văn Đồng là niềm ao ước từ lâu của Nhà thơ Hải Như, tác giả bài thơ "Thành phố hoa phượng đỏ", và đương nhiên, đó là niềm tự hào không thể che giấu của mọi người dân đất Cảng! Tuy tuyến đường Phạm Văn Đồng được vinh danh là con đường trồng nhiều hoa phượng nhất Hải Phòng, nhưng theo tôi, những cành phượng đỏ rực rỡ lung linh soi bóng xuống mặt hồ Tam Bạc – con sông Lấp trứ danh thủa xưa – mới là những hàng phượng đẹp nhất của phố biển! Xin chúc mừng thành phố Hải Phòng, và xin hỏi, có ai mà không muốn lang thang trong chiều thu muộn trên con đường xinh đẹp, hiện đại và lãng mạn ấy? Hôm nay lá phượng đang bay ngập đường đấy... Nguyễn Thế Khoa |
Posted: 03 Feb 2012 10:17 PM PST Nếu đứng cùng một nhóm người đủ các chủng tộc, tôi tự hào là người châu Á; nếu đứng trong nhóm người châu Á tôi tự hào rằng tôi là người Việt Nam và nếu đứng trong đám đông người Việt Nam, tôi tự hào "Tôi là người Hải Phòng". Bạn có thế không? Có chứ, làm sao không tự hào cho được khi được làm công dân của thành phố đầy nhiệt huyết này. Hải Phòng không mang vẻ đẹp đằm thắm kiêu sa của thiếu nữ thời xưa như Hà Nội mà mang vẻ đẹp của một chàng trai mười tám đôi mươi, luôn rạo rực, sẵn sàng cống hiến, đặc biệt lòng nhiệt tình lúc nào cũng chảy tràn trong huyết quản. Chiều về bên quán hoa thành phố Khi mùa hè đến cả thành phố như bừng cháy bởi màu đỏ của phượng vỹ, vì thế mà người ta còn đặt cho nơi này một cái tên trìu mến "Thành phố Hoa phượng đỏ". Hoa phượng ngày càng được trồng nhiều hơn trên những đại lộ lớn nối liền với các tỉnh bạn. Loài hoa đã đi vào tâm thức của người dân Hải Phòng. Trong màu đỏ thắm của hoa phượng xen kẽ đâu đây màu tím của hoa bằng lăng và màu vàng của hoa điệp khiến thành phố rực rỡ như một bức tranh rực rỡ. Những con đường rợp bóng mát, những trưa hè lang thang cũng là nỗi nhớ của nhiều người con xa thành phố. Đường Trần Phú, Hồ Xuân Hương, Lê Đại Hành… là những con đường thơ mộng và yên tĩnh để mỗi khi hè về, nhất là vào tháng Năm, các cô cậu học trò chia tay nhau, màu áo trắng bịn rịn kín cả con đường. Hải Phòng vào mùa hè có chút nóng bỏng mang hơi biển cả thì dải vườn hoa trung tâm thành phố, khu quảng trường Nhà hát lớn và những quán hoa dường như một ốc đảo xua đi cái nóng bức ấy, hàng cây xanh hai bên đường làm cho màu nắng dịu dàng hơn. Mấy quán hoa cong cong rêu phong được xây dựng từ những năm 1940 đậm nét kiến trúc phương Đông, ẩn mình dưới tán phượng vỹ, mang vẻ dịu dàng đẹp truyền thống của người Hải Phòng. Xa xa, phía sau quán hoa là tượng đài nữ tướng Lê Chân, người khai phá ra Hải Phòng, nhớ ơn bà nhân dân Hải Phòng đã lập đền thờ và đặt tên là đền Nghè. Ngoài ra, Hải Phòng còn được nhắc đến với nhiều món ăn dân dã gắn với con người vùng biển, ví dụ như bánh đa cua, bánh bèo, đặc biệt là những món ăn từ hải sản. Đối với các cô cậu học trò hay với những người đã có một thời học trò gắn với mảnh đất này thì không thể quên được món "Bánh đa Da liễu". Nghe vậy bạn đừng sợ, không phải ăn bánh đa vào thì bị da liễu đâu nhé, mà chỉ tại hàng bánh đa này nằm ngay trước cổng Trung tâm Da liễu nên cái tên nó mới "kêu và vần" như vậy. Tôi không biết bây giờ nó còn ngon như ngày xưa không nhưng đối với tôi hồi ấy mà nói, sau buổi giảng khô như củi của thầy giáo thì nó ngon chẳng khác gì sơn hào hải vị. Và hàng bánh bèo ngon nhất trên đường Lê Đại Hành, càng cay càng ngon, vừa ăn vừa xuýt xoa, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Tuổi học trò gắn liền với những tháng ngày rong ruổi trên từng con đường trong thành phố nhờ thế mà tôi biết thành phố của tôi đẹp và đáng yêu biết nhường nào. Nếu bạn ghé thăm Hải Phòng, người Hải Phòng sẽ làm hài lòng bạn với những cách tiếp đón và với những món ăn đặc sản của biển: tôm, ghẹ, tu hài, các loại cá biển… đều tươi rói. Thế nhưng, hải sản chưa phải là điều đang ấn tượng vì ở bất kỳ thành phố biển nào cũng có. Hải Phòng chúng tôi còn có một đặc sản nữa rất đặc biệt đó là "con gái Hải Phòng". Thực tế chứng minh đó, những cuộc thi sắc đẹp trong và ngoài nước, cứ cô nào nhìn xinh xinh hỏi ra y như rằng "Em là người Hải Phòng". Đây cũng là kết luận của những người tỉnh khác đã từng yêu và quen con gái Hải Phòng. Nếu nói đến người Hải Phòng phải nói đến tính cách thẳng thắn và mạnh bạo, nói một là một, hai là hai. Và tôi yêu Hải Phòng ở chính những nét đẹp ấy, những thứ tôi không thể tìm được ở xứ sở xa xôi và hiện đại nơi tôi đang sống. |
Posted: 03 Feb 2012 10:15 PM PST Tôi sinh ra ở Hải Phòng, hồn nhiên lớn lên trên cái mảnh đất ấy. Ngày ngày đạp xe trên các con phố, hưởng thụ một cách thích thú cái râm mát của những hàng cây, thoả thích ngắm nghía quán xá và nhà cửa hai bên đường nhưng dù chỉ thoáng qua thôi cũng chưa một lần nghĩ đến mình có yêu mến hay gắn bó với mảnh đất ấy hay không? Lên Hà Nội học mà trong lòng không hề có cảm giác lưu luyến hay vấn vương với mảnh đất thân thuộc mà mình đã sinh sống suốt bao năm, thản nhiên và không thấy xa lạ khi chuyển tới sống ở một mảnh đất mới. "Đất lành chim đậu", tôi nghĩ rằng ở đâu có môi trường và điều kiện thuận lợi để tôi làm việc và có cuộc sống thoải mái, dễ chịu tôi sẽ ở đó, đâu cứ gì là Hải Phòng hay Hà Nội. Phố Hồ Xuân Hương dịu êm, mát lạnh và tĩnh lặng Một ngày tự dưng trong lòng buồn khó tả, vẫn thói quen cũ, một mình dong xe lang thang trên khắp các con phố. Hà Nội thật đẹp, tiện nghi, hiện đại nhưng Hà Nội cũng có những con phố cổ kính, yên bình. Thế nhưng khi dạo chơi trên các con phố ấy, tôi không có được cái cảm giác dịu êm, mát lạnh, tĩnh lặng như khi đi trên phố Hồ Xuân Hương hồi còn ở Hải Phòng. Cuối cùng thì tôi từ bỏ thói quen đi ra ngoài mỗi khi buồn. Và mỗi lần ra ngoài về, trong cái sự tĩnh lặng và yên ổn của căn phòng lại dấy lên trong lòng một sự nhớ nhung da diết và thôi thúc mong được trở về thành phố biển thân thương ấy. Đối với một con người không đủ lãng mạn để có thể kiên nhẫn ngồi đọc và viết thơ về Hải Phòng, tôi không hay nói về Hải Phòng, cũng hiếm khi tôi nghe những bài hát ca ngợi mảnh đất ấy, nhưng tôi biết từ sâu thẳm trong lòng mình luôn ấp ủ một thứ tình cảm gắn bó tới kì lạ với thành phố thân yêu. Giờ thì tôi đã trở về với mảnh đất đó, mỗi lần tan sở với tâm trạng nặng nề, mệt mỏi, tôi lại một mình lang thang trên các con phố, ngắm nhìn từng gốc cây ngọn cỏ, tận hưởng cái nắng nhạt còn sót lại của buổi chiều và những cơn gió thoáng qua mát dịu, tôi hiểu vì sao mình lại có tình cảm kì lạ với mảnh đất này, bởi từng con phố, từng gốc cây, từng cơn gió nơi đây đã góp phần xoa dịu những nỗi buồn và mang đến sự thanh thản, nhẹ nhàng, dịu mát trong lòng tôi. Và bởi tôi đã lờ mờ hiểu được điều mà Chế Lan Viên muốn gửi gắm qua câu thơ: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn". |
Posted: 03 Feb 2012 10:15 PM PST Liễu chải tóc, soi gương Hồ Tam Bạc Gió mùa thu in gót thảm cỏ mềm Và ai nữa, bước chân cũng khác Tôi ngập ngừng đi về phía nhà em Hồ Tam Bạc vào thu Hàng phượng vĩ đã thôi mùa rực đỏ Cho hoa sữa bồng bềnh ngõ cũ thân quen Trận mưa thu thầm thì tâm sự. Vành nón nào nghiêng tím hoàng hôn Những chiếc lá thả đầy mặt phố Tôi nhặt lên ấp ủ lòng mình Mỗi chiều về em đi ngang ngõ Cả đất trời như thể bước vào Thu. Trần Hồng Ánh |
Posted: 03 Feb 2012 10:14 PM PST Sinh ra tại Hải Phòng, cùng thành phố lớn lên theo năm tháng, vậy nhưng tôi không phải người gốc Hải Phòng. 18 năm qua, gắn bó và san sẻ tình yêu với thành phố Cảng nhỏ bé, tự nhiên thấy yêu tha thiết. Đâu phải chỉ Đà Lạt mới tràn ngập sắc hoa? Đâu phải chỉ Huế mới có "chiếc nón bài thơ"? Hải Phòng có "tháng Năm rợp trời hoa phượng đỏ", có những chiều áo trắng tung bay, còn có bến cảng "tấp nập ngày đêm", có những con đường mùa thu lá vàng rơi. Cũng lãng mạn và thơ mộng như bất kì một miền đất nào trên dải đất hình chữ S này. Chiều hoàng hôn đứng trên tầng 9 của tòa nhà chung cư mới xây trên đường Lê Hồng Phong, hai đứa ngắm thành phố đi vào đêm. Lung linh những ngọn đèn xa, sáng rực những con phố... Đạp xe tối vòng quanh ven bờ hồ, gió lùa làn tóc em bay... Đôi khi chỉ một mình ngắm ánh bình minh buổi sớm, lắng nghe một tiếng chim, đưa tay hứng một giọt sương mai... Bất chợt cảm thấy yêu đến lạ. Những chung cư mới xây trên đường Lê Hồng Phong Mỗi kỷ niệm, mỗi nỗi nhớ đều từ nơi đây. Nhớ cái ngày học sinh thỉnh thoảng trốn ra Đồ Sơn cùng hội bạn, không biết bơi nhưng cứ ùa xuống biển. Sóng đưa, sóng vỗ, cái vị mằn mặn, nồng nồng không thể quên cùng với cảm giác tự do thoải mái khi đạp xe đạp đôi dọc bờ biển không phải teen bất kì đâu cũng được thưởng thức. May mắn được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, may mắn nữa được lớn lên trên đất Cảng thân yêu. Cuộc sống tươi đẹp không cần phải tìm kiếm ở chốn thiên đường nào. Ngay tại đây, giữa lòng thành phố, bỏ quên đi những bon chen danh lợi, để tâm hồn hòa vào nhịp sống mới trẻ trung. Hoa phượng nở trên dải vườn hoa trung tâm thành phố Từng ánh mắt, từng nụ cười, từng giọng nói... Khó có thể nói hết được những cảm xúc miên man, chỉ khi yêu người ta mới nhận thấy... 10 năm, 20 năm, hay 30, 50 năm nữa, mãi mãi Hải Phòng là một phần cuộc sống của tôi, quê hương thứ hai của tôi. "Ôi Thành phố tháng năm. Hoa phượng đỏ quê hương. Ta mang người trong giữa trái tim ta..." |
Posted: 03 Feb 2012 10:14 PM PST Nhanh thật, mới đó mà đã 6 năm sống xa Hải Phòng rồi đấy! Quãng thời gian không dài nhưng cứ mỗi mùa hè qua lại viết thêm những kỷ niệm và khắc sâu hơn nỗi nhớ quê hương. Nơi đây neo vào trí nhớ người đi xa bằng nhiều thứ lắm, nhưng trước hết là hoa phượng. Năm ấy, chiều chia tay thầy cô và bạn bè dưới mái trường Thái Phiên yêu dấu, tấm ảnh ngập tràn tiếng cười còn vương đầy những cánh phượng buồn nơi sân trường vắng. Rồi thời sinh viên, cứ sang tháng 5 là mình lại thu xếp để về ngắm thành phố rực cờ hoa kỷ niệm ngày giải phóng, để nghe tiếng ve gọi những bông phượng thắp lửa từ quảng trường Nhà hát đến dọc bờ hồ Tam Bạc. Và giữa bát ngát núi rừng Sơn La, Hòa Bình những mùa hè tình nguyện, chỉ cần những tia nắng ban mai lóng lánh trên chùm phượng vĩ cũng đủ gợi lên nỗi nhớ quê nhà. Ra trường rồi đi làm, những ngày hè công tác tại Đà Nẵng, Nha Trang hay Vũng Tàu, phố biển cũng đẹp lắm, cũng đầy nắng, đầy gió và có phượng đấy, nhưng chẳng hiểu sao mình vẫn không tìm thấy cảm giác thân thương, êm đềm như phố biển quê mình. Hoàng hôn bên hồ Tam Bạc Không chỉ có màu hoa thắm đượm vào nỗi nhớ, khắc khoải trong lòng mỗi người con xa quê là tiếng còi tàu và mùi cá chượp đặc trưng. Qua rồi thời trẻ dại nô đùa trong hoàng hôn sông Cấm, qua rồi thuở học trò với những rung động thơ ngây, có lúc vui như tiếng còi tàu vào cảng để rồi man mác nhớ, man mác buồn lúc chia xa. Và cả những chiều gió cuốn mùi cá sực nức tràn ngập cả không gian, ai chưa quen thì sẽ khó chịu đấy, nhưng xa rồi thì nhớ lắm mà có tìm lại được đâu! Mùa hè năm nay đến với chuyến công tác đặc biệt tại thành phố Cảng, dù không dài nhưng cũng dành được thời gian giúp cha sửa sang lại căn nhà, giúp mẹ soạn giáo án điện tử chuẩn bị cho năm học mới. Cu cháu về nước nghỉ hè, mình cũng dành cho nó hẳn một ngày chủ nhật ra tắm biển Đồ Sơn và tham quan khu du lịch Hòn Dáu. Và những ngày cuối tuần tụ tập được lũ bạn thời áo trắng, rong ruổi trên những cung đường ngoại thành, lên Đài thiên văn Phù Liễn ngó nghiêng rồi lại ghé Núi Voi du lịch mạo hiểm một chút; hôm thì nhằm hướng suối khoáng Tiên Lãng vừa nô đùa vừa "tám" chuyện, bữa thì cất công về tận Vĩnh Bảo đất học thắp nén nhang tưởng nhớ Trạng Trình. Cố gắng đi thật nhiều để hiểu hơn những điểm đến văn hóa vừa quen vừa lạ trên rộng dài thành phố quê hương, để cảm nhận nét đổi mới của cả đất và người, cũng là để giới thiệu cho bạn bè nếu có dịp về thăm. Thành phố chuyển mình bên bờ sông Cấm Ngày chia xa đã cận kề, còn đâu những chiều háo hức đến Cung văn hóa thanh niên đắm chìm trong những bài tập khiêu vũ. Ở nơi ấy, cô Hằng thầy Cường vẫn ngày ngày truyền lửa đam mê cho các thế hệ VĐV, góp phần đưa Hải Phòng trở thành 1 trong 3 trung tâm đào tạo dancesport của cả nước. Cũng ở nơi ấy, em đã gặp, đã được tập cùng chị, chia sẻ niềm vui mỗi chiều trong từng khúc nhạc, từng bước nhảy, sẻ chia niềm đam mê qua ánh mắt, nụ cười. Xa các anh chị, xa thầy cô, tự hứa với mình sẽ tiếp tục tập luyện để mỗi tháng có thể về giao lưu với lớp một lần. Rồi đây khi trở lại Hà Nội, những dự án, những chuyến công tác và mối quan hệ mới sẽ cuốn mình đi, nhưng hình ảnh quê nhà với những đường phượng náo nhiệt mà yên bình, những người lao động vất vả mà thân thiện, những vũ điệu đầy lôi cuốn cháy bỏng đam mê chắc chắn đã trở thành một mảnh ghép long lanh trong ký ức. Từ đây, quê hương đã có thêm những người để nhớ và thêm niềm mong mỏi trở về! Đặng Minh Đức |
Posted: 03 Feb 2012 10:13 PM PST Với mỗi bước đi lên ta lại càng hiểu thêm về cách mạng: Cuộc cách mạng mùa Thu năm 1945 chỉ là khúc dạo đầu - bản giao hưởng hào hùng toàn dân tộc viết nên từ đó đến nay, chương nọ tiếp chương kia. Những ngày đã qua, những ngày này và những ngày sắp đến, ngày nào cũng nhiệt huyết trào dâng và sục sôi tinh thần cách mạng. Điều hiểu lớn ta hiểu về cách mạng. Từ khi Đảng ra đời, từ khi sau những năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác trở về Tổ quốc thì mỗi con người và cả đến ngọn cỏ, nhành cây đã không sống cho cuộc sống của riêng mình mà sống đời Tổ quốc; thế hệ trước không tiếc mồ hôi và máu đổ để thế hệ sau ca hát, tháng Tám mùa thu chi chút nắng vàng tươi, chi chút trời xanh cốt dành để mai sau. Ôi người mẹ Việt Nam, người mẹ anh hùng, ngày đất nước hồi sinh tháng Tám mùa thu năm 1945 trọng đại, trong "Tuần lễ vàng" (1) mẹ đã dâng cho nước nhà chiếc nhẫn chắt chiu dành dụm cả đời, khi có giặc mẹ lại nén buồn đau mấy lần tiễn chồng, con lên đường ra trận. Và hôm nay, mẹ vui lòng nhường mảnh vườn cha ông để lại cho con đường cao tốc đi qua. Đô thị Hải Phòng trên đà phát triển. Ta càng hiểu sâu xa về cách mạng: Đạn bom đã qua rồi, nhưng chưa thôi trận mạc, trận địa dựng lên trong mỗi con người. Thương trường gian lao như thể chiến trường, những cám dỗ ngọt ngon, những cạm bẫy không ngờ. Vẫn có người ngã xuống trong những ngày yên ả, vẫn cần biết bao nhiêu dòng máu anh hùng. Sông Hồng hôm nay và Bạch Đằng quá khứ, hòa làm một, chảy cùng một hướng, để hiểu những ngày này và mai sau cần thấm thía tháng năm quá khứ, tỉnh táo trước vinh quang và giàu có, cần cả những Điện Biên trong những tâm hồn. Ta lại càng vững tin Bác chỉ đường dẫn lối. Sự nghiệp của Người, tư tưởng và đạo đức của Người ta mang theo hành trình cùng thế kỷ. Ta dàn quân theo thế trận Bác Hồ. Trên chót vót cõi trường sinh, Bác hằng ngày vẫn "Chống gậy lên non xem trận địa" - trận địa hào hùng của con cháu hôm nay. Bản giao hưởng cách mạng hào hùng, chương nọ tiếp chương kia và hôm nay chương mới. Lúc mã tấu, gậy tầm vông từ rừng núi băng về xuôi rùng rùng khởi nghĩa trong những ngày tháng Tám 1945, người chiến sĩ Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đâu có nghĩ con đường mòn ngày ấy hôm nay hoá thành đường cao tốc, đập thuỷ điện bên này ào ào tuôn thác bạc, nhà máy thép bên kia mái đỏ đậm màu son. Khi trở lại Thủ đô sau chín năm trường kỳ kháng chiến, phố cổ rêu phong, con đường chật chội, anh bộ đội hồi ấy không thể nghĩ Hà Nội hôm nay lại to đẹp nhường này, nhà chót vót và đường trăm thước rộng, náo nức người đi, rộn rã xe bon. Ngay cả những ngày vui đến trào nước mắt và lòng đầy mơ tưởng khi nước non thu về một mối, ta cũng không thể hình dung những gì có được hôm nay, chưa giàu đẹp nhưng ít nhiều đã thoả lòng mong ước của cha ông. Hải Phòng ơi, những đường phố, những dòng sông thân thiết của ta ơi, tưởng chừng ta đã thuộc đến từng viên đá lát, từng ngọn sóng, từng cánh chim chiều chiều chao liệng, từng con tàu sau những ngày mệt nhoài với đại dương rúc còi vui trở về bến cảng; vậy mà mỗi sáng ta thức dậy, sao thấy đầy mới lạ. Kia An Đồng, Hồng Thái, Đằng Hải, Đằng Lâm, đây Bắc sông Cấm, phía Nam cầu Rào… đô thị mới tưng bừng, những con đường rộng mở; kia phố đảo Cát Bà lung linh soi mặt biển, đây những ống khói hiên ngang in bóng nước Bạch Đằng. Và còn bao nơi nữa đang thay đổi từng ngày mà ta chưa thể đến, mà cháy khát trong ta mong hoài được đến như cháy khát tình yêu cái thuở yêu đương. Cả em nữa, tưởng chừng ta đã biết em đến từng hơi thở, giọng nói, nụ cười, từng bước chân hân hoan trở về nhà sau một ngày miệt mài nơi công sở. Vậy mà sáng hôm nay, em như có điều gì mới lạ, đôi mắt em nhìn trời xanh thắm biếc và em hát bài hát trẻ trung của thuở đang yêu. Anh đoán, ngôi nhà em xây vừa mới khánh thành, con đường mỗi sáng em qua đã trải xong lượt nhựa cuối cùng; cũng có thể trong em chợt bừng lên niềm mơ và ý tưởng, rừng thẳm, non xa, biển rộng, sông dài, em sẽ đến và anh sẽ đến, cho đất nở hoa, cho thơm đồng thơm núi, cho thơm ngát hồn ta, thắm biếc cuộc đời. Bản giao hưởng tháng Tám năm 1945, khúc dạo đầu gian lao giờ hoan ca, bước chân từ những buổi xuyên rừng, lội suối đến ngày này đã hoàn toàn vững vàng trên đường lớn; giờ là lúc lòng đầy suy tưởng. Nghị quyết Đảng từng dòng từng dòng đậm nét những dòng son: Ngày mai đây sẽ có những con đường nơi hôm nay còn bờ lau bãi sú, sẽ có chiếc cầu lớn vượt qua eo biển rộng, sẽ có cảng nước sâu, sẽ thêm nhiều nhà máy, hải đảo xa tàu đi về tấp nập, sẽ thêm công viên, thêm trường học và hiển nhiên, một điều giản dị: thêm nụ cười vui… Bản giao hưởng cách mạng hào hùng rồi lại sẽ thêm nhiều chương mới nữa, ngân vang, hùng tráng vô cùng! (1) Sau ngày độc lập, ngân khố quốc gia hầu như trống rỗng, một "Tuần lễ vàng" đã được phát động trên toàn quốc, từ ngày 17 đến 24-9-1945, để quyên góp ủng hộ chính quyền cách mạng, giúp đất nước thoát khỏi khó khăn hiểm nghèo. (Theo Báo Hải Phòng) |
Posted: 03 Feb 2012 10:13 PM PST Một mùa hè nữa đã trôi qua, lại một mùa hè xa Hải Phòng, một mùa hè mà tôi đã chợt giật mình vì chỉ nhận ra hè tới với cái nóng oi nồng khó chịu, cái ngột ngạt khô khan khói bụi trong những lần tắc đường, cái nắng gay gắt như muốn đốt cháy da thịt mà không có cái màu đỏ thân thương ấy của quê hương. Tự nhiên tôi bỗng thấy nhớ những lần đi trên phố, chợt vui sướng mỉm cười, chỉ tay reo cùng tụi bạn "Chúng mày ơi, phượng nở rồi kìa!". Trước giờ tôi vẫn nghĩ hè về, phượng nở là điều dĩ nhiên thôi, năm nào, hè nào chẳng vậy, nhưng giờ đây, khi biết được hè đã về rồi mà không thấy cái màu đỏ ấy của hoa phượng tôi lại thấy nhớ, thấy yêu cái màu đỏ ấy vô cùng. Hải Phòng ơi! Xa Hải Phòng mới thấy được chẳng ở nơi đâu con tim tôi lại bình lặng như ở nơi ấy, nơi tôi đã sinh ra, lớn lên và cũng là nơi tôi kiêu hãnh giới thiệu với bạn bè khắp nơi. Những con đường ở thành phố quê tôi không quá rộng, nhưng lúc nào nó cũng nhộn nhịp mà thanh bình đến lạ! Người Hải Phòng vẫn tất bật ngược xuôi với cuộc sống đấy nhưng trong dòng xe ồn ã vẫn có cái gì đó điềm tĩnh, yên ả lạ lùng. Có lẽ ở mảnh đất ấy trái tim nào cũng thật thanh thản, yêu đời. Xa Hải Phòng. Xa một thành phố với những con người thật lạ kỳ, thẳng thắn, bạo dạn đấy nhưng sống tình cảm lắm. Xa Hải Phòng cũng là con phải xa ngôi nhà thân thương, có bố, có mẹ và những người con vẫn rất yêu. Đã 2 năm trên Hà Nội rồi nhưng con vẫn chưa quen được cái cảm giác nhớ mẹ, nhớ gia đình. Cứ mỗi đêm nằm ngủ con lại nghĩ giờ này mẹ đã ngủ chưa? Vắng con mẹ buồn nhiều không? Và những lúc ấy con lại khóc, vì thương mẹ và cũng thương chính mình. Con đã từng hối hận rằng có lẽ con nên học ở Hải Phòng để không phải xa mẹ, xa quê, nhưng có lẽ nếu không có khoảng thời gian như bây giờ con sẽ chẳng bao giờ hiểu được con yêu mẹ, yêu Hải Phòng nhiều đến thế và trong mắt bạn bè cả nước thành phố Hải Phòng, con người Hải Phòng đáng tự hào đến nhường nào. Còn 4 năm nữa thôi mẹ nhé, Hải Phòng nhé, 4 năm nữa là con sẽ được về mảnh đất thân yêu ấy, nơi có mẹ, có bố và những người con yêu. Tự hào về Hải Phòng nhiều lắm! |
Posted: 03 Feb 2012 10:12 PM PST Tôi sẽ về thăm Hải Phòng ơi! Bao năm lưu lạc ở xứ người, Thành phố nghìn trùng thành phố Cảng, Thương nhớ trong tim bặt tiếng cười. Sông Cấm, con sông của người Hải Phòng Tôi sẽ về thăm những con sông, Phù sa mầu mỡ ngát cánh đồng, Từng con đò nhỏ chiều đưa khách, Gió đón trăng về… sáng mênh mông… Thành phố biển ơi có khác xưa? Những hàng phượng thắm gió đong đưa, An Dương, chợ Sắt còn đông đúc? Vẫn người đi chợ dưới cơn mưa. Những hàng phượng thắm gió đong đưa, Sông Bính có còn xanh mầu nước, Con phà xuôi ngược khách sớm trưa. Núi Đèo mờ ảo chiều lam nhạt, Bến thuyền Tam Bạc có nguyên xưa? Bến thuyền Tam Bạc có nguyên xưa? Hải cảng tưng bừng trong nắng mai, Xi măng khói tỏa nối mây dài. Từng chuyến tầu đêm về bến đỗ, Những người họa sĩ vẽ tương lai. Trần Phú, Quang Trung, cầu treo nổi, Nghiêng bóng dừa xanh tắm ven sông, Trẻ con từng tốp thi bơi lội, Vui đùa hò hét chạy lông nhông. Xe lửa hàng ngày còn qua phố, Ðường chắn người len như đón đưa, Cánh tay chỉ trỏ quơ quơ vẫy, Ðoàn tàu rung động nắng ban trưa. Hồng Bàng, Cát cụt, bãi Bo-lan, Ðây đó ve ca rợp bóng bàng. Lạch Tray, phố Quán, Hoàng văn Thụ, Chúa nhật Thánh đường tiếng chuông vang. Nhà hát liễu còn soi bóng nước, Ðôi bờ sóng sánh vì sao thưa. Từng đôi trai gái ngồi mơ ước, Trầu cau hai họ đến đón đưa… Phi lao còn đứng bến Máy Chai, Thầm tiễn nhau đi một đêm dài. Sóng gió biệt ly sầu nhân cảnh, Xé tan lồng ngực nát tim ai? Quê hương nặng trĩu con thuyền nhỏ, Sóng Thái Bình Dương lạnh tình đời. Xa rời phố nhỏ ra biển rộng, Tiếng nấc linh hồn dâng chơi vơi… Chắc khác xa rồi có phải không? Sao nghe nao nức tận đáy lòng, Ðường phố khi xưa người quen thuộc, Có còn nguyên vẹn nỗi thương mong? Tôi sẽ trở về thăm quê xưa Nguồn thương thác nhớ nói sao vừa Kỉ niệm vào đời thành phố Cảng Vẫn sáng trong lòng dẫu nắng mưa… Vũ Kim Thanh |
Posted: 03 Feb 2012 10:12 PM PST Hải Phòng những ngày tháng 7 tưng bừng, thắm sắc đỏ hoa phượng. Khó khăn do lạm phát và suy giảm kinh tế không làm chùn bước người dân thành phố cảng, ngược lại càng thúc đẩy tính sáng tạo, sự quyết tâm của một đầu tàu tăng trưởng kinh tế năng động. Dựa vào biển, đi lên từ biển Nhiều năm qua, bằng sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm và sự năng động của Đảng bộ và nhân dân thành phố cảng, Hải Phòng đã phát triển vượt bậc. Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 11,15%, 6 tháng đầu năm 2011 đạt 9,89%, gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước; GDP bình quân đầu người đạt 1.742 USD; cơ cấu GDP có sự chuyển dịch rõ nét khi dịch vụ chiếm 53%… Công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, xuất nhập khẩu, khả năng thu hút khách du lịch của Hải Phòng đều nằm trong tốp đầu cả nước. Điều đó cho thấy, Hải Phòng đã lựa chọn đúng và triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp hiệu quả, mang tính đột phá, đặc biệt là biết dựa vào biển và đi lên từ biển. Khu Hồng Bàng - trung tâm thành phố Hải Phòng Về Hải Phòng hôm nay, có thể dễ dàng nhận thấy một thành phố sôi động với hàng trăm chiếc tàu lớn nhỏ cập cảng. Suốt từ Vật Cách cho tới Đình Vũ, những bến cảng mới mọc lên, hàng hóa ra vào không ngớt. 5 năm qua, sản lượng hàng hóa qua Cảng Hải Phòng đã gấp hơn 2,5 lần, riêng năm 2010, sản lượng đã lên tới 35 - 36 triệu tấn, năm 2011 dự kiến đạt hơn 40 triệu tấn. Ước mơ của người Hải Phòng về một cảng nước sâu đã trở thành hiện thực khi dự án cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện công suất 300 triệu tấn/năm đã hoàn tất thủ tục, chuẩn bị khởi công. Bên cạnh đó là đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Đình Vũ - Cát Hải, là sự mở rộng quy mô của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với nhiều dự án tầm cỡ. Cũng từ đây, Hải Phòng cất cánh với Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Hải Phòng, Khu resort Sông Giá, một loạt khu công nghiệp, một loạt dự án công nghiệp lớn trị giá hàng trăm triệu USD như Nhiệt điện Hải Phòng, DAP Đình Vũ, Thép Sông Đà, Nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp Đình Vũ… Khu vực đô thị của Hải Phòng đã dài rộng, khang trang, hiện đại, trải dài qua Dương Kinh tới Đồ Sơn, mở rộng sang Kiến An, tiến về phía biển Hải An và sắp tới đây là phía Bắc sông Cấm. Chiều sâu của sự đồng thuận Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kết quả đàm phán dự án "Phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng" với tổng mức đầu tư 276,6 triệu USD, thực hiện trong 5 năm. Đạt được thành tựu ấy, mấu chốt chính là do năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố không ngừng được nâng cao. Việc tự đổi mới, tự chỉnh đốn, phát động mạnh mẽ cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng xây dựng Đảng bộ vững mạnh. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hải Phòng cũng có nhiều đổi mới, từ việc nâng cao năng lực, đề ra chủ trương, đến việc tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra tổ chức thực hiện, chú trọng các giải pháp đột phá để thực hiện thắng lợi các chủ trương đã đề ra. Quá trình này đòi hỏi vừa phát huy tốt vai trò tập thể, thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, tạo sự nhất trí, đồng thuận cao; đồng thời đề cao trách nhiệm cá nhân, phát huy tối đa tính năng động, sáng tạo, tự chủ, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan lãnh đạo, quản lý các cấp. Và Hải Phòng đã làm được điều đó. Hải Phòng đang ngày càng có vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của Bắc bộ và cả nước; là đầu mối giao thông quan trọng trong chiến lược "hai hành lang, một vành đai" hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, là trung tâm kinh tế - khoa học - kỹ thuật tổng hợp của vùng duyên hải Bắc bộ. Vận hội mới đang mở ra với thành phố cảng. Hải Phòng có bờ biển dài trên 125km, có nhiều bãi cá, lớn nhất là bãi cá quanh đảo Bạch Long Vĩ. Các vùng triều ven bờ, ven đảo và vùng cửa sông rộng trên 12.000ha vừa có khả năng khai thác, vừa có khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn và nước lợ có giá trị kinh tế cao. Tài nguyên biển phóng phú với gần 1.000 loài. (Theo Sài Gòn giải phóng) |
Posted: 03 Feb 2012 10:11 PM PST Những ngày mưa rả rích đi qua, trả lại cho mùa thu bầu trời xanh ngắt và ánh nắng vàng ươm trải trên khắp lối. Mùa lại dịu dàng như vốn có. Nét thu tràn ngập không gian, từ màu da trời xanh ngắt, ánh nắng vàng hanh hao đến cơn gió thu dìu dịu lao xao những hàng cây. Sớm tỉnh giấc, khẽ chạm phải cái se se lạnh của mùa, cảm nhận được làn sương mỏng nhẹ như hơi thở của thu. Mùa thu đến, mang theo cảm giác yên bình cho mình. Đi trong mùa thu, như vô thức ký ức về những mùa cũ lại tràn về, khẽ xếp lại vào từng ngăn, từng ngăn trong góc kỷ niệm. Đôi lúc nhớ đến da diết những ngày đi học, nhớ khoảng trời xanh thẳm thẳm nhìn từ sân trường, tán lá bàng lúc lắc chùm quả chín, nhớ những thương yêu đong đầy trong kỷ niệm... Nhớ lại bài thơ năm nào viết trong những ngày đi học, đã rơi vào xa xôi mà tưởng chừng như nét chữ vẫn còn gần lắm... Gửi một mái trường Chiều chợt về ngang qua mái trường yêu Ngô Quyền đó nghiêng mình nghe nắng thở Thời gian trôi chín mươi mùa phượng nở Bụi có phủ mờ nét cổ kính trang nghiêm Những nữ sinh của trường THPT Ngô Quyền tinh khôi với áo dài trắng trong dịp kỷ niệm 90 năm thành lập trường (15/10/1920 * 15/10/2010) Ta như con thuyền trôi trên những dòng êm Ghé lại bến khi tuổi vừa mười sáu Ba năm học bên mái trường yêu dấu Ngoảnh lại nhìn chút tiếc nuối gọi tên Với bạn bè bao giây phút không quên Ta thương lắm những bảng đen, phấn trắng Dáng thầy xưa không nhòa theo năm tháng Chắp cánh lớp lớp học trò qua sông Từ mái trường này ta xin gửi lại tuổi thơ Hành trang bước vào đời mang theo bao kỷ niệm Suốt cuộc đời dẫu mãi còn tìm kiếm Cũng chẳng bao giờ ta thấy lại ngày xưa... Thúy Hồng |
Posted: 03 Feb 2012 10:10 PM PST Cứ duyên dáng sắc màu không phai nhạt Rẽ đất mải mê ra phía biển tìm nhau Êm ả một dòng buồn đau vẫn hát Em là con sông anh chờ chảy về đâu? Dòng Đa Độ và núi Đối là hai biểu tượng đẹp nhất của Kiến Thụy Sông là em đổ vào trái tim một thuở Để bây giờ anh thả sóng bơ vơ Nổi nênh chi, ai vớt lên lời hứa Mà trăng rơi vỡ trắng nước đêm chờ? Đánh cá trên dòng Đa Độ Biệt thự làng, nhà cao tầng lên phố xá Soi vào em tìm nhan sắc ngày xưa Sông vẫn trẻ. Thuyền lạc dòng bỡ ngỡ Người nao lòng không lặng sóng tình yêu Ai tiễn nhau công viên vàng cuối chiều? Ngày xưa mình cũng từng yêu như thế! Anh trầm tích con sông em diễm lệ Để chiều về lãng đãng xứ Dương Kinh... Hồ Anh Tuấn |
Posted: 03 Feb 2012 10:10 PM PST Em gọi đó đàn thiên nga màu đỏ Mùa hè bay đậu thành phố quê em Rồi lả lướt tung mình cùng ngọn gió Bay, bay, bay trong chiều xuống êm đềm Ôi hoa phượng cánh thiên nga màu lửa Mùa hè bay đậu tổ ấm nơi đây Bay hối hả trong chiều vàng nắng tỏa Hải Phòng ơi, đỏ cả nắng vơi đầy Ôi thiên nga đỏ bừng bao nẻo phố Cháy tiếng ve, cháy rực rỡ bầu trời Thiên nga đậu ánh nhìn ai nho nhỏ Lửa nhóm lên những rung động đầu đời Ôi thiên nga, thiên nga, thiên nga đỏ lửa Mang lửa bay đến tận trái tim nàng Hãy thắp sáng ngọn lửa tình mới nở Mách bảo nàng mùa hè nhớ vừa sang… Phạm Bá Chiểu |
Posted: 03 Feb 2012 10:09 PM PST Khi ánh nắng hè bắt đầu rực rỡ hơn, những bông hoa phượng cũng bắt đầu nở ngập tràn phố Cảng Hải Phòng. Phượng nở bừng cả 5 cửa ô vào nội thành Hải Phòng. Du khách đến Hải Phòng, đặc biệt là người từ Kinh thành Hà Nội sẽ cảm nhận rõ nhất điều này. Hồ Tam Bạc, con sông Lấp xưa kia giờ phủ rực hồng hoa phượng. Phượng nở bên khu thương mại Chợ Sắt, niềm tự hào một thời của người Hải Phòng Sắc phượng hồng làm cho thành phố thêm đẹp, tôn thêm nhiều công trình hiện đại bên hồ Tam Bạc. Phượng vỹ là loài cây người Pháp du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, tại các đô thị lớn của Việt Nam, nhưng được trồng nhiều nhất ở phố biển Hải Phòng. Sắc phượng hồng tôn thêm vẻ thơ mộng cho những con đường dạo ven hồ Tam Bạc Trưa hè dường như dịu mát hơn bởi những cành phượng buông rủ xuống mặt hồ Nhiều đôi lứa đã dìu nhau qua những lối gạch ven hồ mỗi khi chiều đến Phượng nở trong vườn hoa Lê Chân. Phượng rực rỡ quanh Quảng trường Nhà hát lớn thành phố. Những bông phượng nặng trĩu khoe sắc với trời xanh. Nó làm cho người ta nhớ đến câu thơ: "Hải Phòng đó, hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu" của Nhà thơ Hải Như. Phượng nở rực rỡ bên tòa nhà Thư viện thành phố. Hải Phòng tuy không phải là đất học nhưng thành phố này sở hữu 1 công trình thư viện hiện đại vào bậc nhất của đất Việt. Phượng nở bên cổng trường THPT chuyên Trần Phú, nơi sản sinh ra rất nhiều huy chương vàng các cuộc thi toán quốc tế, văn quốc gia và... hoa hậu! Phượng nở bên cầu trong Cung văn hóa-thể thao thanh niên Hải Phòng. Cây cầu này là nơi hò hẹn của không biết bao nhiêu đôi lứa yêu nhau Phượng hoe sắc bên Khách sạn Tray của Tập đoàn Nam Cường. Đây là khách sạn 4 sao đầu tiên của Hải Phòng. Đứng trên tầng gác của khách sạn này, khách VIP sẽ cảm nhận được vì sao người Hải Phòng lại có niềm tự hào không điều kiện với loài hoa phượng. Đây là cây phượng vỹ trên đường Trần Phú, lối ra cổng Cảng, đã nở những bông hoa phượng đầu tiên của Hải Phòng, hè năm 2011, hôm 11-5, giờ cũng đã đỏ rực từ gốc đến ngọn. Đường Trần Phú ngập tràn sắc đỏ của hoa phượng Cây phượng non trong Cung văn hóa-thể thao thanh niên thành phố, gần hồ Quần Ngựa. Trong tiếng hát ve, phượng hồng là hoàng hậu đó... Diện mạo đô thị Hải Phòng dường như đẹp hơn trong sắc phượng hồng. Phượng nở trong ánh nắng hè chói chang, làm cho lòng người thấy vui hơn trước nụ cười của thiên nhiên... Hoa phượng nở thành hàng trong Cung văn hóa Việt - Tiệp. Nguyễn Thế Khoa |
Posted: 03 Feb 2012 10:08 PM PST Với mỗi người dân Hải Phòng, cứ hè về đón những ban mai nắng ngời rực rỡ trên những cành hoa phượng vĩ bên bờ sông Lấp lại dấy lên những hy vọng, xốn xang, những niềm vui chắp cánh cho bao mơ ước bình dị của những người lao động đang miệt mài dựng xây thành phố Cảng yêu thương của mình. Ôi ! Mỗi tháng 5 về, trong tôi lại trào lên cảm xúc yêu thương mãnh liệt về thành phố cần lao "muối mặn, gừng cay" nơi tôI cất tiếng khóc chào đời và lớn lên với bao niềm vui, nỗi buồn, những cực nhọc, lo toan nhưng rất đỗi tự hào về quê huơng yêu dấu của mình. Trường cấp II Trần Phú 40 năm trước khi còn là cậu học sinh trường cấp II Trần Phú bên bờ sông Lấp, tôi đã say mê biết mấy khi đọc bài thơ "Hải Phòng" của nhà thơ - nhà giáo Nguyễn Thanh Toàn viết về thành phố quê hương với những câu thơ lãng mạn, tuyệt vời: ... Bừng bừng những chùm hoa lửa Nhịp cầu cong qua sông Và những dòng sông phù sa từ trăm nguồn dồn về quánh đỏ Dầu loang ánh sắc cầu vồng Ở đây hơn ở đâu Nơi nào cũng ngửi thấy mùi cần lao... Yêu biết bao tâm hồn, nhịp thở của những người thợ trẻ ngày đêm dựng xây thành phố Thành phố năm mươi vạn người Tôi thấy ai như cũng gặp đâu rồi Quen lắm Những người bạn tôi làm thợ Mười tám, hai mươi khoẻ như thành phố Và họ đêm đêm nằm lắng nghe hơi thở của những con tàu rời bến: ... Như nghe còi tàu, người công nhân cảng Biết con tàu nào rời bến Và nhà thơ - người thợ Thanh Tùng tác giả của "Thời hoa đỏ" đã có những câu thơ rất cảm động, ấn tượng về thành phố thợ của mình khi anh phải đi xa: ... Mai tôi đi rồi Tôi có khóc đâu mà gió ướt Mà nắng rát lên tôi mặn chát Mai tôi đi rồi Để lại đây tiếng búa khắc vào hồn phố Cùng mộng mơ lảng vảng cuối con đường Những giọt mồ hôi từng hát lên trong suốt Những lưng thợ đã bết mãi vào nhau Ngọn lửa kia đốt lên thời trai trẻ Bây giờ còn nóng trong tôi ... Và khi được trở lại sau những năm xa cách, bước trên những con đường thân thuộc của thành phố, Thanh Tùng run rẩy, nghẹn ngào với những bước chân mình: Thành phố gầy như ngực mẹ tôi Tôi không dám mạnh chân sợ mặt đường long nhựa Không dám cả cười buông thả Sợ bao vết thương bom đạn vẫn chưa lành. (Trở về) Còn một nhà thơ nữa, đạo diễn NSND Đào Trọng Khánh cũng có câu thơ đặc biệt về thành phố anh yêu đến mức quên cả bản thân mình làm anh từng bị "tai nạn nghề nghiệp". Thành phố như chiều tầu chở đầy thuốc nổ Ra đi cùng số phận mỗi con người Nhà máy đóng tàu Nam Triệu Chao ôi ! Tình yêu thành phố Biển "muối mặn, gừng cay" có những con sóng vỗ nhọc nhằn này đã làm mỗi người dân thành phố yêu nó xiết bao. Ai cũng cố góp một chút gì của mình để dựng xây thành phố, để tin tưởng và hy vọng... Thấy thành phố ngày một đổi thay, ngày một đàng hoàng – một thành phố công nghiệp, hiện đại, trung dũng, anh hùng, quyết thắng như Bác Hồ đã tặng cho quân dân đất Cảng. Năm 2011 tiêu điểm của thành phố là "Đô thị và bảo đảm an sinh xã hội " cùng với đó là sự phát triển toàn diện từ các khu công nghiệp tập trung, từ hàng loạt các Xí nghiệp trong và ngoài nước vẫn đang hoạt động, phát triển trong tình trạng kinh tế thế giới đang suy thoái. Ở các huyện ngoại thành, nông nghiệp vẫn phát triển, lúa đạt năng suất cao, các ngành nghề khác được chú ý tạo điều kiện nâng cao đời sống của người nông dân. Nếu có dịp ta về chơi ở Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Hải v.v... đi trên con đường liên thôn, liên xã láng xi măng, đổ bê tông hoặc đường nhựa, thấy những chiếc xe công nông chở lúa, phân bón ra đồng, những trạm bơm nước vào đồng, rồi gặp bà con nông dân ra đồng làm việc đi xe đạp, xe máy, ăn mặc gọn gàng, trang bị cẩn thận, mới thấy đời sống ở nông thôn hôm nay thay đổi biết chừng nào. Và mừng hơn nữa, trẻ em ở đâu cũng được đến trường học tập trong những bộ quần áo đồng phục. Xã nào cũng có trường mẫu giáo, trường cơ sở; huyện có trường trung học. Nhiều học sinh ở nông thôn đã thi đỗ cao vào các trường đại học. Không có năm nào Hải Phòng chúng ta không có những học sinh đoạt giải cao trong các kì thi quốc gia và quốc tế. Trong cuộc thi đua toàn diện của 5 thành phố lớn toàn quốc 2 năm qua, Hải Phòng chúng ta là lá cờ đầu được các thành phố bạn suy tôn, công nhận... Đó là niềm vinh dự lớn lao, rất đáng tự hào của thành phố Cảng. Phố Văn Cao - phố kiểu mẫu trong việc quy hoạch Chính vì thế, còn biết bao việc dựng xây thành phố cần đến sự đóng góp của mỗi người dân như chuyện giải phóng mặt bằng cho những dự án xây dựng các khu công nghiệp, các khu sinh thái, du lịch, sân golf, các đường giao thông trọng điểm... vẫn chưa thực hiện được đúng kế hoạch, tiến trình làm chậm nhịp độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành phố. Những công trình Cầu Bính, các khu công nghiệp Đình Vũ, khu nhà ở Cựu Viên, Quán Trữ, khu cảng tàu thuỷ ở Minh Đức (Thuỷ Nguyên) đang từng bước hoàn thiện. Hàng loạt các khu nhà ở cao tầng ở Văn Cao, ở đường Lê Hồng Phong, sân bay Cát Bi đang rất cần đến sự tự giác, nỗ lực của người dân trong việc "giải phóng mặt bằng". Ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ở thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng nhiều người dân đã hiến đất của mình để mở rộng đường xá, xây trường học, làm bệnh viện, đóng góp tiền của cá nhân để xây dựng quê hương to lớn, đàng hoàng hơn! Chỉ có chúng ta đoàn kết một lòng xây dựng mới làm thành phố ta biến đổi thực sự. Mỗi tháng 5 về, trong trái tim chúng ta lại cháy lên niềm tin mãnh liệt về tương lai huy hoàng của thành phố biển cần lao. Chúng ta như những con sóng nhọc nhằn mải miết suốt đời dựng xây, làm lụng, yêu thương, hy vọng vào tương lai tốt đẹp về thành phố Hoa phượng đỏ yêu dấu của mình! Nguyễn Long Khánh |